PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống.
Kỳ thi tốt nghiệp 2025 đã qua đi nhưng dư âm của nó vẫn chưa dứt. Đây đó vẫn vang lên những ý kiến bình luận khen, chê khác nhau. Đó là chuyện bình thường, nhất là với đề thi môn Ngữ văn - một môn học ai cũng có thể góp ý và ai cũng nghĩ mình đúng.
Trước những lời khen chê như thế, tôi nghĩ nhan đề bài viết này có thể làm phương châm hành xử cho nhiều đối tượng, nhất là những người liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua - một Kỳ thi mang tính lịch sử.
Tin tưởng tiếp tục
Muốn tiếp tục đi lên cần tin tưởng vào những gì đúng đắn mà Kỳ thi đã đạt được. Cần nhìn nhận một cách khách quan những kết quả mang tính cách mạng của Kỳ thi: chuyển từ đánh giá nội dung sang đánh giá năng lực người học.
Với môn Ngữ văn, cái được lớn nhất của đề thi tốt nghiệp THPT 2025 là đã tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ, dứt khoát từ việc giáo viên dạy học nhồi nhét, dạy tủ, dạy chép bài mẫu… sang dạy cách học, cách đọc, cách viết.
Học sinh chuyển từ cách học thuộc văn mẫu và tài liệu có sẵn để đi thi chép lại sang yêu cầu phải tự suy nghĩ, tự tìm ý; tự thể hiện, diễn đạt những suy nghĩ bằng lời văn của chính mình…
Chấm dứt một thời học tủ, đoán mò, do đề thi chỉ quanh đi quẩn lại các tác phẩm đã học trong sách giáo khoa. Mở ra một giai đoạn không thể và không cần đoán; học sinh chỉ cần biết cách khám phá, tiếp nhận văn bản; nắm được phương pháp viết một đoạn văn, bài văn là đáp ứng tốt.
Từ việc hình thành và phát triển năng lực ấy mà góp phần giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng phẩm chất và hoàn thiện nhân cách cho học sinh; tạo ra một lớp người biết độc lập suy nghĩ, không ăn theo, nói theo người khác, có lòng tự trọng, biết xấu hổ khi đạo văn người khác…
Sự tin tưởng về cách đánh giá mới thông qua đề thi tốt nghiệp THPT lần này không phải không có cơ sở. Niềm tin ấy bắt đầu từ việc chuẩn bị tập dượt rất sớm của Bộ GD&ĐT.
Từ 2023, Bộ GD&ĐT đã công bố minh bạch các tiêu chí, định dạng và cấu trúc đề thi, triển khai tập huấn cho giáo viên cốt cán cả nước về đề thi mới; thử nghiệm, khảo sát hàng chục ngàn thí sinh ở nhiều tỉnh thành…
Đặc biệt, niềm tin ấy được củng cố sau Kỳ thi với đông đảo dư luận cả nước khẳng định đề thi môn Ngữ văn có nhiều đổi mới; vừa đúng yêu cầu của chương trình, vừa hay; phù hợp với đối tượng và bối cảnh đổi thay của đất nước. Bài viết của PGS.TS.Trần Văn Toàn trên trang cá nhân (https://www.facebook.com/vantoan.tran) đã phân tích khá sâu sắc và đầy đủ về đề thi tốt nghiệp vừa qua. Tôi hoàn toàn tán thành với những ý kiến ấy; ở đây chỉ xin nói thêm một số điểm để tiếp tục tin tưởng:
Thứ nhất: Cần khẳng định mô hình cấu trúc đề thi tốt nghiệp Bộ GD&ĐT đã công bố 12/2023. Cấu trúc ấy thể hiện rất rõ các yêu cầu của Chương trình Ngữ văn 2018. Chương trình tập trung phát triển năng lực đọc, viết, nói và nghe, thì kiểm tra, đánh giá phải hướng vào các năng lực ấy.
Nghĩa là đề thi phải đánh giá được năng lực đọc hiểu và viết (còn nói - nghe phải bằng đánh giá thường xuyên). Đánh giá năng lực đọc hiểu có thể bằng tự luận và trắc nghiệm. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, lựa chọn đánh giá bằng đề tự luận là giải pháp phù hợp. Đánh giá năng lực viết phải yêu cầu học sinh viết đoạn và bài, không thể khác được.
Thứ hai: Năng lực đọc hiểu văn bản được đánh giá thông qua việc người đọc có nắm được các thông tin cơ bản có trong văn bản hay không. Thông tin của một văn bản gồm: thông tin tường minh (bề nổi) cả về nội dung và hình thức; thông tin hàm ẩn (bề sâu) chìm khuất trong văn bản; thông tin có được khi liên hệ, đối chiếu, so sánh với văn bản khác và những trải nghiệm của người đọc. Đây chính là cơ sở để nêu lên 3 mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng trong đề thi đọc hiểu.
Thứ ba: Năng lực viết phải thông qua yêu cầu viết đoạn và bài. Muốn viết đoạn và bài tốt, học sinh cần biết tổ chức ý cho đoạn và bài văn, biết sắp xếp các ý theo cấu trúc đoạn, bài; biết diễn đạt và trình bày đúng ngữ pháp, chính tả… từ đúng đến hay.
Yêu cầu viết đoạn và bài có giới hạn số lượng chữ là cần thiết, vì: biết viết ngắn, tập trung vào trọng tâm, không lan man, dài dòng cũng là một năng lực; phù hợp với thời lượng làm bài thi, bài viết sẽ không dài, dễ chấm, dễ đánh giá chính xác…
Thứ tư: Mô hình, phạm vi, cấu trúc đề thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT đã công bố là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của chương trình. Cần công bố cho học sinh biết rõ cấu trúc và yêu cầu của đề thi. Mô hình ấy như là bộ tiêu chí để giáo viên, học sinh dạy, học có phương hướng.
Tuy nhiên từ khung cơ bản ấy, giáo viên cần biết vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo; không cứng nhắc, máy móc khi biên soạn các đề thi cụ thể. Phải tùy vào yêu cầu của mỗi Kỳ thi để xác định đúng cấu trúc đề, lựa chọn văn bản đọc hiểu và yêu cầu viết cho phù hợp. Từ cấu trúc ấy, có rất nhiều cách thiết kế đề thi đa dạng, phong phú với nhiều loại câu hỏi, cách hỏi khác nhau.
Từ tốn tiếp thu
Những điều nêu trên là những ưu điểm lớn có được qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Còn lại những gì chưa hoàn tất, chưa toàn bích, cần điều chỉnh chỗ này chỗ khác… là bình thường, là chuyện nhỏ. Tuy là nhỏ nhưng vẫn cần lắng nghe, tiếp thu với một thái độ từ tốn, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa. Xin nêu mấy lưu ý sau:
Thứ nhất: Với phần đọc hiểu, cần suy nghĩ về cách hỏi để có câu hỏi hay hơn, phù hợp với đối tượng, mức độ và tính chất của một Kỳ thi quốc gia. Mặt khác vẫn cần chú ý tới những học sinh chưa có điều kiện, sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… những “vùng trũng” của giáo dục. Giáo viên cần chú ý rèn luyện kỹ năng đọc hiểu cho học sinh theo hướng: cũng là câu hỏi mức độ biết hoặc hiểu, vận dụng nhưng có rất nhiều cách hỏi khác nhau với mỗi loại văn bản.
Thứ hai: Giáo viên cần đọc nhiều, thu thập, lựa chọn được những văn bản giàu ý nghĩa, hàm chứa nhiều yếu tố đặc sắc về thể loại, tiếng Việt và những thông điệp nội dung giàu tính nhân văn, đồng thời mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Do thời gian có hạn, không thể nêu nhiều câu hỏi đọc hiểu nhằm quét hết các yêu cầu, vì thế nên kết hợp với phần viết (đoạn/ bài) để yêu cầu học sinh phân tích, bình luận, đánh giá sâu hơn cả nội dung và hình thức nghệ thuật.
Thứ ba: Cần chú trọng việc hướng dẫn học sinh khai thác văn bản hằng ngày, kết hợp việc kiểm tra thường xuyên và định kỳ để đánh giá toàn diện hơn cả quá trình học tập. Thông qua các đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ để học sinh nắm được đặc sắc của nhiều tác phẩm văn học kinh điển có trong sách giáo khoa; tránh hiện tượng chỉ dạy hời hợt, lướt qua những kiệt tác vì biết sẽ không ra trong đề thi tốt nghiệp. Để xét tốt nghiệp, điểm học bạ vẫn chiếm 50%, ngang với điểm thi.
Cuối cùng là khâu chấm bài, giáo viên cần biết xây dựng đáp án cho đề thi đánh giá năng lực. Khi chấm cần tuân thủ đáp án và vận dụng linh hoạt. Tuy nhiên, cần giữ vững chuẩn mực trong thẩm định; đánh giá đúng chất lượng bài làm, đừng vì một lý do nào đó để hạ hoặc nâng điểm vô căn cứ. Nếu làm thế là giáo viên đã tự rẻ rúng và hạ thấp giá trị của môn học mà mình gắn bó.
Một đề thi Ngữ văn hay trước hết phải đúng, đáp ứng được yêu cầu của Chương trình; sau đó phải phù hợp với đối tượng và bối cảnh; nêu vấn đề phải rõ ràng, không mập mờ đánh đố; ngôn ngữ trong sáng, gợi cảm, gợi được hứng thú và cảm xúc “muốn viết” cho học sinh.
Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn không phải chỉ có khoa học mà còn phải đáp ứng nhiều yêu cầu khác. Trong đó, có yêu cầu cần lan tỏa được những giá trị tốt đẹp, những ấn tượng nhẹ nhàng, trong sáng và hòa nhịp được với không khí xã hội,…
Câu văn “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời tổ quốc” trong đề thi đã được nhắc đến rất nhiều trong những bối cảnh khác nhau cho thấy rõ sự tác động và lan tỏa tích cực mà đề thi Ngữ văn mang lại. Đề thi tốt không có nghĩa là không có ý kiến gì góp ý, chê bai ,mà ngược lại nếu tất cả đều khen thì nên cảnh giác…
PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống (Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018, Tổng Chủ biên sách Ngữ văn bộ Cánh Diều)