'Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, chúng ta phải xây nhà từ móng'

'Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, chúng ta phải xây nhà từ móng'
2 giờ trướcBài gốc
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2024) và 25 năm ra đời Luật Doanh nghiệp (1999 – 2024), Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã chính thức công bố ấn phẩm Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân.
Chia sẻ tại buổi lễ, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho hay, câu chuyện về kinh tế tư nhân, doanh nhân tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1986. Đó cũng là giai đoạn "xanh cỏ và đỏ rực", gắn liền với những cải cách và đổi mới trong khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, khác với nhiều quốc gia, cải cách trong kinh tế tư nhân của Việt Nam theo hướng “bottom-up”, tức phát triển từ dưới lên. Doanh nghiệp tư nhân "vượt rào" rồi từ đó tạo ra những thay đổi trong chính sách của Nhà nước.
“Tinh thần và khát vọng của khối kinh tế tư nhân thời kỳ đầu có thể mới chỉ ‘vượt rào’ một chút nếu như ta xét về tư duy và pháp lý, nhưng đằng sau đấy là sự máu lửa, là cái chất của con người Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân chỉ là một cách nói, một cách phân loại để nghiên cứu, thống kê. Với tôi, hai chữ tư nhân chính xác hơn là về chúng ta, về người Việt và về dân tộc này”, ông Thành nói.
Bên cạnh việc đánh giá cao về sự phát triển của khối kinh tế tư nhân thời gian qua, TS. Võ Trí Thành cũng đã đưa ra một số nhận định và khuyến nghị để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Theo ông, muốn tạo ra được một lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp giỏi thì kinh tế tư nhân phải làm được hai điều: một là phải xây nhà từ móng và hai là phải có được thương hiệu toàn cầu.
“Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, chúng ta phải xây nhà từ móng, tức là tập trung, hỗ trợ cho các doanh nghiệp startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp này có thể không có quy mô lớn nhưng lại là linh hồn của một nền kinh tế thị trường. Nếu không có những doanh nghiệp này thì sẽ không có nền kinh tế thị trường”, ông Thành đặc biệt nhấn mạnh.
Hiện tại, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp lớn, được đo bằng số lượng lao động, đóng góp vào ngân sách… nhưng vẫn cần những doanh nghiệp vừa lớn vừa mạnh. Do đó, TS. Võ Trí Thành cho rằng, để có được những doanh nghiệp lớn mạnh, Việt Nam cần phải có thương hiệu toàn cầu, làm chủ công nghệ, xây dựng được hệ sinh thái sản xuất theo xu hướng phát triển chung của thế giới.
“Chúng ta hoàn toàn có thể như hoặc là hơn Hàn Quốc. Để làm được điều đó, Việt Nam phải có những sự kiện mà thế giới phải nhớ đến. Nếu như Hàn Quốc có Kpop, có nữ nhà văn đạt giải Nobel, tổ chức World Cup,… thì Việt Nam có thể được những dấu ấn đó từ nay đến năm 2045 không? Tôi nghĩ rằng với những khát vọng của khối tư nhân, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này”, TS. Võ Trí Thành nói.
Lãnh đạo Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, Tạp chí Đầu tư Tài chính và các vị khách quý công bố biểu trưng Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân
Cũng tại buổi lễ, ông Hoàng Anh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance chia sẻ, kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển và những thành tựu rất quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước. Nhưng lịch sử đã có những khúc quanh khiến cho kinh tế tư nhân đã gần như trở về con số 0 trong khoảng thời gian đầu thập niên 80, khi đất nước lâm vào khó khăn, khủng hoảng.
Và rồi, chính tình trạng khó khăn khi đó đã thôi thúc, mở ra quá trình Đổi Mới mà trong đó, kinh tế tư nhân dần tìm lại được vị thế, vai trò và tiếng nói của mình. Giờ đây, kinh tế tư nhân đã hiện diện trên hầu khắp các ngành, lĩnh vực kinh tế và đóng góp vô cùng to lớn cho nền kinh tế quốc dân, nhất là trên các phương diện như đóng góp vào ngân sách, tạo việc làm, ổn định đời sống người dân.
"Giờ đây chúng ta có thể thấy dấu ấn của kinh tế tư nhân ở khắp nơi: nhà chúng ta ở, xe chúng ta đi, trường học và bệnh viện, thậm chí cả những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước. Có những lĩnh vực tưởng như chỉ có doanh nghiệp nhà nước có thể đảm trách, thì khi chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân lại càng hiệu quả hơn, chẳng hạn như hàng không, thương mại, xuất nhập khẩu… Có những con người rời khỏi khu vực nhà nước, khi bước ra thương trường lại trở thành những doanh nhân xuất sắc", ông Hoàng Anh Minh phát biểu.
Ông Minh cho hay, lễ kỷ niệm 20 năm Ngày doanh nhân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh các thông điệp chính sách của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước gần đây đã nhấn mạnh đến một “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại hành trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó khối kinh tế tư nhân đang ngày càng phát huy hiệu quả vai trò quan trọng của mình. Đồng thời, cũng là thời điểm để các doanh nghiệp, doanh nhân nhận thức lại vai trò và cơ hội của mình trong dòng chảy phát triển chung của đất nước, trước một “kỷ nguyên mới”.
"Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance hân hạnh được công bố ấn phẩm Toàn cảnh Kinh tế tư nhân với mong muốn đưa lại cái nhìn toàn cảnh về lĩnh vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục cổ vũ, đồng hành cùng sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân và chúng tôi cũng đã khởi động một chương trình nghiên cứu về lịch sử kinh tế tư nhân tại Việt Nam", ông Minh nhấn mạnh.
Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân là đặc san thứ 3 được Tạp chí Đầu tư Tài chính xuất bản trong năm 2024. Ấn phẩm đã nêu bật vai trò và đóng góp to lớn của khu vực kinh tế tư nhân đối với đất nước, nhất là trong bối cảnh thông điệp của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước gần đây đã nhấn mạnh đến một “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Nhìn lại 20 năm hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, khối kinh tế tư nhân đang ngày càng phát huy hiệu quả vai trò quan trọng của mình. Đồng thời, cũng là thời điểm để các doanh nghiệp, doanh nhân nhận thức lại vai trò và cơ hội của mình trong dòng chảy phát triển chung của đất nước, trước một kỷ nguyên mới.
Bảo Hân
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/de-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-chung-ta-phai-xay-nha-tu-mong-post555244.html