Tại kỳ họp Quốc hội lần này, trong nhiều dự thảo luật đều có những quy định để kịp thời “cởi trói” về mặt cơ chế, nguồn nhân lực cho khoa học, công nghệ bứt phá. Trong đó, dưới góc độ thuế, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã chỉnh lý, bổ sung những quy định để tạo thêm chính sách ưu đãi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó, quy định thể hiện rõ nhất quan điểm này là Điều 4 về thu nhập được miễn thuế: “Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật. Thu nhập tại khoản này được miễn thuế tối đa không quá 3 năm”.
Có thể nói, đây một bước tiến tích cực trong việc khuyến khích hoạt động đầu tư đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, với đặc thù của việc nghiên cứu, đầu tư và phát triển khoa học, công nghệ, dường như con số 3 năm vẫn là quá ngắn, chưa đủ sức tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào lĩnh vực này. Bởi đúng như các đại biểu Quốc hội đã phân tích, Nhà nước hiện đang khuyến khích đầu tư, đặc biệt trong chuyển đổi số và khoa học, công nghệ, nhưng đây cũng là lĩnh vực mới, đòi hỏi thời gian nghiên cứu và thử nghiệm rất dài để những nghiên cứu, công nghệ có thể hoàn thiện và thương mại hóa.
Do đó, việc xem xét kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm đối với những lĩnh vực khoa học, công nghệ được ưu tiên như y tế, dược phẩm, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo... là cần thiết, từ đó tạo động lực, thu hút nhiều hơn sự tham gia vào lĩnh vực này. Hơn thế nữa, quy định ưu đãi thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ cao để sản xuất mới “đúng nhưng chưa đủ”, khi các hoạt động ứng dụng và thử nghiệm cũng là một khâu rất quan trọng trước khi tiến hành sản xuất đại trà. Đồng thời với đó, cũng cần những hướng dẫn chi tiết về tiêu chí để DN sử dụng đúng mục đích cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tránh việc doanh nghiệp lợi dụng chính sách chuyển lợi nhuận để trốn thuế.
Khoa học, công nghệ luôn là yếu tố rất then chốt cho sự phát triển của bất cứ một tổ chức, một quốc gia nào, đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi sự sáng tạo, đổi mới là đòi hỏi cấp thiết, tránh nguy cơ tụt hậu. Việc kịp thời gỡ những rào cản về thể chế, triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù và phù hợp sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, việc tạo ra các cơ chế, chính sách ưu đãi ở các khía cạnh, trong đó có thuế, không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của cộng đồng DN, đặc biệt là các DN khởi nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này, mà còn giải quyết được những điểm nghẽn trong thực tiễn. Khi nhà khoa học được tin tưởng, DN được hỗ trợ, người dân sẽ được hưởng lợi từ thành quả nghiên cứu, khoa học, công nghệ. Từ đó cũng góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trần Hà