Chiều 14/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình dự án Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) sửa đổi.
Bộ trưởng cho biết, dự thảo luật bổ sung 1 điều về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, dự thảo quy định việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm sau.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Như Ý
Đồng thời, Thủ tướng quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng bộ, cơ quan Trung ương chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên theo từng lĩnh vực và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng được quyết định phân bổ chi tiết đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết; quyết định sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương.
Đề xuất trên là thực hiện chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác giao nhiệm vụ thu, chi và điều hành NSNN, tạo sự chủ động và tăng tính hiệu quả, kịp thời trong kỷ nguyên phát triển mới.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Kinh tế của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành. Hiến pháp và pháp luật hiện hành quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định dự toán NSNN, bao gồm tổng thu, tổng chi, cơ cấu chi và bội chi NSNN.
Khi cần điều chỉnh dự toán đã được quyết định, thẩm quyền thuộc về Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định hiện hành bảo đảm phân cấp, phân quyền trong quyết định dự toán. Quốc hội chỉ quyết định tổng mức theo lĩnh vực và cơ cấu chi, không chi tiết đến từng nhiệm vụ; các bộ, ngành, địa phương quyết định chi tiết theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng yêu cầu làm rõ chức năng các cơ quan Nhà nước, bảo đảm phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực; củng cố vị thế của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất.
“Việc giao Chính phủ quyền điều chỉnh dự toán (thuộc thẩm quyền của Quốc hội) dẫn đến chồng chéo chức năng, ảnh hưởng kỷ luật tài chính và mục tiêu cải cách đã đề ra”, cơ quan thẩm tra nêu rõ.
Luân Dũng