Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) gồm 8 chương, 98 Điều (giảm 9 chương, 75 điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).
Dự luật được xây dựng với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Ảnh minh họa
Tại Điều 4, dự thảo quy định 14 nhóm văn bản quy phạm pháp luật với nhiều điểm mới so với luật hiện này.
Bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm của Chính phủ
Trước đây, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định Chính phủ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới 2 hình thức là nghị định và nghị quyết.
Với chủ trương đơn giản hóa hình thức, Luật 2015 đã bỏ hình thức nghị quyết và chỉ giữ lại hình thức nghị định.
Tuy nhiên, theo dự thảo tờ trình của Bộ Tư pháp, thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành và phản ứng chính sách của Chính phủ trong gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn phòng, chống đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch đã đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, bổ sung thẩm quyền của Chính phủ trong việc ban hành một hình thức văn bản riêng (ngoài nghị định của Chính phủ) với một quy trình xây dựng, ban hành nhanh gọn, kịp thời để văn bản có hiệu lực sau khi ban hành và xử lý ngay vấn đề thực tiễn phát sinh.
Ngoài ra, Luật hiện hành chưa quy định thẩm quyền của Chính phủ trong việc ban hành văn bản quy phạm để thực hiện thí điểm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ. Điều này dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, chưa bảo đảm được sự linh hoạt và tính kịp thời trong chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
"Do đó, để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Công văn số 12918-CV/VPTW và chính sách đã được Chính phủ thông qua, dự thảo Luật bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ trong việc ban hành nghị quyết quy phạm để thí điểm các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ; giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn; để áp dụng pháp luật trong một thời gian nhất định. Đồng thời, quy định một số đặc thù trong xây dựng, ban hành loại văn bản này, bảo đảm nhanh gọn (nghị quyết của Chính phủ có thể có hiệu lực kể từ ngày Chính phủ thông qua)", tờ trình nêu rõ.
Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Thông tư
Hiện nay, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020) thì văn bản quy phạm của Tổng kiểm toán nhà nước được ban hành dưới hình thức là quyết định.
Tuy nhiên, theo dự thảo mà Bộ Tư pháp vừa công bố thì Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ ban hành Thông tư thay vì quyết định như hiện nay.
HĐND, UBND cấp xã không ban hành văn bản quy phạm
Ngoài những thay đổi nêu trên, dự thảo luật cũng đã bỏ quy định về việc cấp xã sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện nay, cấp xã có 2 loại văn bản quy phạm đó là Nghị quyết của HĐND xã, phường, thị trấn và Quyết định của UBND cấp xã.
Định hướng sửa đổi
(i) Chỉ quy định chi tiết trong dự thảo trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
(ii) Đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên tịch, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc, loại hình mà các chủ thể được phép ban hành và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm liên tịch; Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương;
(iii) Đối với các văn bản quy phạm của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, quy định hiện hành tương đối ngắn gọn, quá trình thực hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Do đó, dự thảo Luật kế thừa và quy định về quy trình xây dựng, ban hành các loại văn bản này trong Luật để áp dụng trực tiếp mà không cần thiết phải giao quy định chi tiết.
NGUYỄN QUÝ