Đề xuất chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đề xuất chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 6/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài công lập
Về cơ sở pháp lý để ban hành Luật, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, sau khi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 được ban hành, đã có nhiều đạo luật chuyên ngành lần lượt ra đời và điều chỉnh các giai đoạn khác nhau trong chu trình nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Trong đó, nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn của hoạt động Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với tính chất là khâu đột phá phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, quan điểm xây dựng Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; để phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Về phạm vi sửa đổi, Luật được thực hiện theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó doanh nghiệp làm trung tâm, các đại học và viện nghiên cứu là các chủ thể hỗ trợ cùng hướng tới mục tiêu hoạt động Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh: quochoi.vn
Về nội dung sửa đổi, đáng lưu ý là dự thảo luật giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu. Theo đó, cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực, thậm chí giải thể.
Theo lý giải của Chính phủ, việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới. Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng.
Những nghiên cứu không đạt mục tiêu ban đầu mang lại bài học quý giá, giúp tránh lặp lại sai lầm trong tương lai hoặc mở ra những hướng đi mới tiềm năng. Thêm vào đó, cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với giao kinh phí đảm bảo tài chính nghiên cứu được phân bổ một cách hợp lý và tạo động lực nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy. Ảnh: quochoi.vn
Rà soát, bổ sung quy định về tiêu chí chuyên gia, nhân tài
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban cơ bản thống nhất vơíquan điểm xây dựng Luật. Đề nghị bám sát hơn nữa và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW, thể hiện rõ nét hơn vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, "chủ thuyết" phát triển trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, có quy định mang tính đột phá, vượt trội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng chính sách kiến tạo phát triển đồng bộ với quản lý theo cơ chế phù hợp.
Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nền kinh tế, Ủy ban cơ bản tán thành các quy định này và đề nghị rà soát việc gắn kết đồng bộ, thống nhất với các quy định về đầu tư, tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hệ sinh thái và phát triển thị trường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để bảo đảm tính khả thi.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí chuyên gia, nhân tài; quy định đầy đủ, phù hợp về quyền, nghĩa vụ nhất là tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính. Cần có quy định khuyến khích triển khai chương trình giáo dục STEM, STEAM; có chính sách thúc đẩy xây dựng văn hóa sáng tạo.
Kiều Chinh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/de-xuat-chap-nhan-rui-ro-trong-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-41172.html