Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN.
Chưa có cơ chế thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng.
Theo Bộ Tư pháp, công tác xây dựng pháp luật được xem là hoạt động khó, phức tạp, mang tính trí tuệ cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật phải có trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm, dành thời gian tập trung cho công việc và cần có chế độ đãi ngộ tương xứng. Tuy nhiên, các điều kiện bảo đảm về tổ chức, bộ máy, biên chế chưa được kiện toàn và bố trí tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; chưa có cơ chế để thu hút, bảo đảm và nâng cao chất lượng nhân lực tham gia công tác xây dựng pháp luật cũng như chưa có cơ chế để đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm phát huy khả năng trong công tác xây dựng pháp luật…
Qua thống kê, rà soát cho thấy, cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật, thu nhập cơ bản là tiền lương (1 lần lương) và chế độ phụ cấp công vụ (25% với cán bộ ở trung ương), trong nhóm cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật chỉ có cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được hưởng mức hỗ trợ là 60.000 đồng/ngày làm việc, ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được hưởng mức hỗ trợ là 40.000 đồng/ngày làm việc. Việc hưởng chế độ chính sách tiền lương không có điểm đặc thù như trên là chưa thực sự tương xứng với yêu cầu công việc và công sức lao động.
Trong khi đó, các điều kiện bảo đảm về kinh phí chưa được bố trí tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Chưa có cơ chế cho phép triển khai thử nghiệm để tạo ra những đột phá, đổi mới về công tác nghiên cứu pháp luật; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật…
Thực tiễn nói trên cho thấy công tác xây dựng thể chế nói chung và xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật nói riêng cần được quan tâm đúng mức, với tính chất là “đột phá của đột phá”, nhằm chuyển hóa “điểm nghẽn” về thể chế, pháp luật thành cơ hội đầu tư và lợi thế cạnh tranh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bảo đảm mức chi vượt trội cho cán bộ, công chức tham gia xây dựng pháp luật
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết thể hiện chế độ đãi ngộ tương xứng với vị trí việc làm xây dựng pháp luật và nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác xây dựng pháp luật theo hướng:
Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý hoạt động xây dựng pháp luật; cán bộ, công chức có vị trí việc làm xây dựng pháp luật hoặc pháp chế tại các đơn vị cấp Vụ, Sở có chức năng xây dựng chính sách, pháp luật của Đảng, của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương hoặc cán bộ, công chức có vị trí việc làm thường xuyên, trực tiếp xây dựng pháp luật ở cơ quan khác; công chức tư pháp ở cơ sở; cán bộ, công chức có vị trí việc làm về phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; cán bộ, viên chức có vị trí việc làm nghiên cứu chiến lược, chính sách về pháp luật được hưởng phụ cấp đặc thù bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng, cộng phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có); được hưởng thù lao, kinh phí thuê khoán chuyên môn theo mỗi nhiệm vụ, hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật và phải bảo đảm mức chi vượt trội.
Thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ quy định cơ chế đặc biệt về điều kiện, môi trường làm việc; xét thi đua, khen thưởng; đào tạo, bồi dưỡng nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân cán bộ, công chức, khai thác, sử dụng chuyên gia, nguồn nhân lực có trình độ cao, giàu kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật.
Ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm và tăng dần theo yêu cầu hoàn thiện thể chế.
Đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách, pháp luật
Cũng theo dự thảo Nghị quyết, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách, pháp luật được đề xuất thành lập, là loại hình quỹ do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận.
Quỹ được sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, hoạch định chiến lược về xây dựng pháp luật; hỗ trợ các hoạt động nâng cao hiệu quả, khả thi của công tác xây dựng pháp luật; phát triển nguồn nhân lực, sử dụng đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước tham gia xây dựng pháp luật; tổ chức, tham gia các hội nghị, diễn đàn pháp lý quốc tế.
THU HẰNG