Đề xuất cho phép cá nhân được tham gia dự án PPP

Đề xuất cho phép cá nhân được tham gia dự án PPP
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật sửa 7 luật).
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH
Nhà đầu tư chỉ cần chứng minh khả năng thu xếp vốn
Trình bày tóm tắt Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xây dựng Dự án Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tài chính, ngân sách.
Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật hiện hành, gồm: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong đó, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), Dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định về chính sách hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm của Nhà nước đối với dự án PPP theo hướng: Bổ sung quy định cho phép cá nhân được là nhà đầu tư được tham gia dự án PPP; cho phép áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng công trình; bổ sung trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án PPP khi thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ không hiệu quả; sửa đổi cơ chế bảo đảm đầu tư theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện áp dụng để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Dự thảo Luật cũng mở rộng các trường hợp chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, bổ sung trường hợp chỉ định đối với nhà đầu tư đề xuất dự án sở hữu công nghệ chiến lược; nhà đầu tư có cam kết tài chính; áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án khoa học công nghệ; phân quyền cho các Bộ, ngành, địa phương được chủ động quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư.
Đồng thời, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu theo hướng: Không yêu cầu nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự mà chỉ cần chứng minh khả năng thu xếp vốn để mở rộng cơ hội tham dự thầu cho các nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư đề xuất dự án, chỉ yêu cầu nhà đầu tư đáp ứng năng lực tài chính và có phương án tài chính khả thi.
Dự thảo cũng bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với các dự án PPP. Cụ thể,bãi bỏ thủ tục thành lập Hội đồng thẩm định, thành lập doanh nghiệp dự án PPP đối với một số nhóm dự án nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư. Lược bỏ một số nội dung của hợp đồng dự án PPP để phù hợp với tính chất đặc thù của các dự án khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH
Đồng thời, giản lược quy trình thực hiện dự án PPP theo từng nhóm dự án; quy định quy trình riêng đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ. Đơn giản hóa nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo thẩm định dự án PPP…
Làm rõ cơ sở pháp lý, đánh giá đầy đủ tác động
Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu rõ, chính phủ đề nghị bổ sung "cá nhân" vào đối tượng tham gia đầu tư theo phương thức PPP, nhằm khuyến khích giáo sư, chuyên gia sở hữu công nghệ tham gia phát triển các dự án khoa học, công nghệ.
Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng, Hồ sơ Dự án Luật chưa làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và đánh giá tác động đầy đủ về tính khả thi trong việc kiểm soát trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ tài chính và năng lực triển khai dự án của cá nhân trong mô hình PPP.
Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và hạn chế rủi ro phát sinh trong thực tiễn triển khai, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị thận trọng trong việc mở rộng đối tượng “cá nhân” tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP khi chưa đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách này.
Thảo luận tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng nêu thực tế, hiện nay, các dự án PPP rất khó triển khai, việc áp dụng quy định pháp luật trong Luật PPP còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Ngay đối với những dự án PPP trong lĩnh vực mới như khoa học, công nghệ, hay những lĩnh vực mà trước đây được kỳ vọng là sẽ phát huy phương thức đối tác, hợp tác công tư tốt, như kết cấu hạ tầng, văn hóa, xã hội thì cũng rất khó triển khai. Vì vậy, ngay khi Chính phủ đề xuất sửa 7 luật này đã nhận được sự tán thành cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới cần được rà soát rất kỹ nhằm bảo đảm tính khả thi, để khi triển khai thực hiện thì trong thời gian rất ngắn, những quy định này sẽ đi vào cuộc sống ngay.
Đ. KHOA
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/de-xuat-cho-phep-ca-nhan-duoc-tham-gia-du-an-ppp-39799.html