Đề xuất có hướng dẫn thi/xét thăng hạng đối với giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX

Đề xuất có hướng dẫn thi/xét thăng hạng đối với giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX
5 giờ trướcBài gốc
Khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Tấn Phước - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) cho biết: “Tổng số biên chế của trung tâm là 20 người. Trong đó, chỉ có 10 giáo viên dạy văn hóa, số còn lại là giáo viên giáo dục nghề nghiệp và nhân viên văn phòng. Năm học 2024-2025, tổng số học viên của trung tâm là 724 người, được chia thành 19 lớp. Điều này tương đương với định mức số lượng người làm việc chỉ đạt hơn 0,5 giáo viên/lớp.
Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, đối với chương trình bậc trung học phổ thông, định mức giáo viên giảng dạy (chưa tính các nhân viên kiêm nhiệm những vị trí khác) được bố trí tối đa là 2,25 giáo viên/lớp.
Như vậy, với số lượng giáo viên hiện tại, trung tâm không đảm bảo theo định mức số lượng người làm việc được quy định tại Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT, đồng thời cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu của trung tâm”.
Thầy Trần Tấn Phước - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang). Ảnh: NVCC.
Theo thầy Phước, việc thiếu giáo viên gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy của trung tâm, từ việc bố trí giáo viên giảng dạy đến việc triển khai các hoạt động chuyên môn, chưa kể, còn phụ thuộc vào lịch giảng dạy của giáo viên thỉnh giảng.
Thêm nữa, trung tâm phải mất khá nhiều thời gian cho việc sắp xếp thời khóa biểu vì phải đợi các trường trung học phổ thông xếp xong thời khóa biểu, trung tâm mới căn cứ thời khóa biểu của giáo viên thỉnh giảng để đưa ra thời khóa biểu phù hợp cho đơn vị.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn cũng cho biết: “Không chỉ tuyển dụng giáo viên cơ hữu, mà việc tìm kiếm giáo viên thỉnh giảng cũng rất khó khăn. Bởi lẽ, thù lao hợp đồng thỉnh giảng thấp hơn rất nhiều so với giảng dạy chính thức, hiện nay, thù lao thỉnh giảng của giáo viên chỉ được trả với mức 95.000 đồng/tiết. Đồng thời, việc mời những giáo viên thỉnh giảng mới ra trường, khó có thể đảm bảo chất lượng giáo dục, vì bản thân thầy cô cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy.
Việc thiếu giáo viên cơ hữu còn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trung tâm và nhu cầu học tập của học viên. Một số giáo viên phải dạy nhiều tiết/tuần, chất lượng giáo dục sẽ không được như mong muốn”.
Chia sẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn, vị Giám đốc cho biết: “Trung tâm trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, nên khi được giao biên chế, sẽ tính theo đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, không tính theo định mức 2,25 giáo viên/lớp.
Bên cạnh đó, giáo viên công tác tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chưa thực sự được coi trọng, chế độ chính sách và một số vị trí tại trung tâm chưa rõ ràng.
Giáo viên tại trung tâm cũng khó được nâng hạng chức danh nghề nghiệp giống các trường phổ thông. Điều kiện để thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên là có thành tích cao, mới được ưu tiên xét thăng hạng. Tuy nhiên, ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, điều kiện để có thành tích cao rất khó: Thứ nhất, do thường không được tham gia các cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức; thứ hai, học sinh của trung tâm (đa số không đủ điều kiện vào trường trung học phổ thông mới đăng ký vào), đầu vào hơi thấp so với mặt bằng chung. Vì vậy, đào tạo chủ yếu nhằm mục đích tốt nghiệp, rất khó có học sinh giỏi cấp tỉnh và thành tích của giáo viên cũng thấp.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện quản lý trực tiếp trung tâm, trung tâm không trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo hay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, do đó, trung tâm không có văn bản chỉ đạo hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Ngoài ra, các thầy cô tại trung tâm lại phải đào tạo những học sinh có học lực kém hơn so với mặt bằng chung, dẫn đến không ít vất vả. Do đó, nhiều giáo viên không mặn mà với hệ giáo dục thường xuyên”.
Thầy Phước thông tin thêm, do thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, nên trung tâm không thể bổ sung biên chế.
“Trước đây, số lượng người học đăng ký vào học tại trung tâm rất ít. Những năm gần đây, việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được đẩy mạnh hơn, kết hợp với nhận thức của người dân đối với hệ giáo dục thường xuyên được nâng lên, kết quả, số lượng học viên của trung tâm cũng tăng lên đáng kể.
Thế nhưng, biên chế giáo viên tại trung tâm thì phải thực hiện theo lộ trình, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, trung tâm đã thực hiện một số giải pháp tạm thời, như: Trao đổi với các trường trung học phổ thông trên địa bàn để cử giáo viên giảng dạy các lớp; cùng với đó, tìm những giáo viên mới ra trường để hợp đồng, nhằm đảm bảo đủ giáo viên dạy các lớp văn hóa tại trung tâm.
Mặt khác, trung tâm đã tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện cấp thêm chỉ tiêu biên chế giáo viên để đáp ứng việc giảng dạy. Trong năm học 2024-2025, trung tâm đã được cấp thêm 06 biên chế để tuyển dụng, song tính đến nay, vẫn chưa tuyển thêm được giáo viên nào”, thầy Phước cho hay.
Có đủ giáo viên cơ hữu, công tác quản lý, giảng dạy sẽ hiệu quả hơn
Trong khi đó, thầy Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết: “Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở làm tăng tỉ lệ đầu vào tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy văn hóa.
Năm học 2024-2025, tổng số học viên của trung tâm là 785 nhưng trung tâm chỉ có 25 biên chế (gồm 18 giáo viên, còn lại là cán bộ quản lý và nhân viên). Trung tâm chủ động hợp đồng thỉnh giảng với 31 giáo viên để đảm bảo chất lượng giáo dục”.
Thầy Bình cho biết, nếu có đủ giáo viên cơ hữu, công tác quản lý và giảng dạy tại trung tâm sẽ hiệu quả hơn, đồng thời, chủ động hơn trong vấn đề chuyên môn và các vấn đề khác. Nhưng trên thực tế, do giáo viên cơ hữu không đủ đáp ứng, trung tâm phải sử dụng giáo viên thỉnh giảng và giáo viên hợp đồng.
“Ấy vậy, việc tìm kiếm giáo viên thỉnh giảng, giáo viên hợp đồng vẫn luôn là nỗi lo của lãnh đạo các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, vì vất vả từ khâu tìm hiểu thông tin giáo viên đến hoạt động trao đổi chuyên môn bị hạn chế.
Thêm nữa, trong công tác bồi dưỡng nâng cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, việc phân công giáo viên cơ hữu cũng dễ dàng hơn, vì giáo viên thỉnh giảng còn vướng lịch công tác tại đơn vị sở tại. Bên cạnh đó, chất lượng của giáo viên thỉnh giảng cũng khó có thể đảm bảo bằng giáo viên cơ hữu” - vị Giám đốc chia sẻ.
Một lớp học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định). Ảnh: Đoàn Thanh niên của Trung tâm cung cấp.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, thầy Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Phía trung tâm đã báo cáo Ủy ban nhân dân thị xã Hoài Nhơn, đề nghị bổ sung biên chế, xây dựng kế hoạch về sử dụng biên chế năm học mới, trong đó, thống kê sơ bộ giáo viên trung tâm đảm nhiệm dạy những môn văn hóa gì, còn thiếu những môn nào với số lượng bao nhiêu.
Bên cạnh đó, trung tâm khuyến khích đội ngũ giáo viên trước đây chưa có trình độ chuyên môn phù hợp chủ động đăng ký học văn bằng 2, đáp ứng đủ các điều kiện để chuyển qua dạy văn hóa. Sau đó, trung tâm sẽ trình lên lãnh đạo cấp trên xét duyệt.
Trung tâm cũng cố gắng đóng bảo hiểm cho một số giáo viên hợp đồng, để các thầy cô yên tâm, chuyên tâm giảng dạy và dạy đủ số tiết quy định. Tuy nhiên, nguồn kinh phí vẫn còn hạn chế.
Và cuối cùng, để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục của đơn vị, theo tôi, phải xuất phát từ nội lực của trung tâm. Tập thể giáo viên phải đoàn kết phấn đấu, chuyên tâm vào công tác đơn vị. Đồng thời, chúng tôi mong, các cấp lãnh đạo từ địa phương đến Trung ương sẽ quan tâm nhiều hơn đến hệ giáo dục thường xuyên, có những chính sách ưu đãi, đầu tư về nguồn lực, nhân lực”.
Cùng chung tình trạng thiếu biên chế, thầy Nguyễn Hùng Cường - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) cũng cho biết, hiện tại, trung tâm có 34 giáo viên (bao gồm 25 giáo viên cơ hữu và 9 giáo viên hợp đồng), không thể đáp ứng nhu cầu dạy giảng của trung tâm. Điều này gây nên khó khăn trong công tác quản lý cũng như nâng cao chất lượng chuyên môn. Do đó, trung tâm phải hợp đồng thỉnh giảng thêm với 38 giáo viên, trong đó, phần lớn là giáo viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý lớp và giảng dạy.
Cần có chính sách đãi ngộ đối với giáo viên tại các trung tâm
Thầy Nguyễn Hùng Cường cho biết thêm, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cũng như thu hút giáo viên về giảng dạy, trung tâm đã thực hiện hàng loạt các giải pháp thiết thực: Liên hệ các trường trung học phổ thông trên địa bàn (đặc biệt là các huyện Châu Thành, Châu Phú và Thành phố Long Xuyên) để thông báo tới những giáo viên có nhu cầu thỉnh giảng; liên hệ với các trung tâm trên địa bàn tỉnh để nắm được lịch giảng dạy các giáo viên thỉnh giảng và cố gắng sắp xếp thời khóa biểu phù hợp cho từng thầy cô.
Bên cạnh đó, trung tâm thông báo tuyển dụng giáo viên thỉnh giảng (đặc biệt là đối với giáo viên mới ra trường), qua hệ thống cổng thông tin điện tử của trung tâm, loa truyền thanh các xã, thị trấn...
Bên cạnh khó khăn về thiếu biên chế, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành cũng bày tỏ: “Quy định về cơ chế nhân sự bố trí quản lý hoạt động dạy và học tại trung tâm chưa phù hợp.
Cụ thể, số lớp học giáo dục thường xuyên tại trung tâm năm học 2024-2025 là 48 lớp (số lượng quá nhiều) nhưng chỉ có 01 phó giám đốc, 01 tổ trưởng; không đảm bảo được công tác quản lý, tổ chức hoạt động dạy và học (theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT)và số lượng cấp phó được thực hiện (theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP). Cơ chế áp dụng cho trung tâm chưa hợp lý.
Chính vì vậy, chúng tôi rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế, đề xuất bổ sung nhân sự cấp phó và số lượng tổ trưởng quản lý dạy học văn hóa (hệ giáo dục thường xuyên) cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên”.
Thầy Nguyễn Hùng Cường - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành (tỉnh An Giang). Ảnh: NVCC.
Để nâng cao chất lượng giáo dục tại các trung tâm, thầy Nguyễn Hùng Cường kiến nghị: “Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh tự chủ, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch.
Cùng với đó, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy, đào tạo; rà soát, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa phòng học; bổ sung trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho công tác dạy và học.
Đồng thời, rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ đảm bảo hợp lý cơ cấu. Tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trung tâm.
Về phát triển lâu dài, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ tốt cho việc quản lý và dạy học. Thực hiện chuyển đổi số trong dạy - học, đánh giá học viên và chuyển đổi số trong quản trị và xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục”.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn đề xuất phương án để thu hút giáo viên, đáp ứng nhu cầu giảng dạy tại trung tâm, cũng như nâng cao hiệu quả giáo dục trong thời gian tới.
Cụ thể: “Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông, để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân đối với hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên. Từ đó, tiến đến không còn phân biệt giữa trường trung học phổ thông và các trung tâm. Vì hiện nay, học sinh của trường trung học phổ thông và các trung tâm đều thi chung đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển đại học.
Thứ hai, cần giao biên chế giáo viên cho các trung tâm theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT để có thể hoạt động nhịp nhàng và hiệu quả.
Thứ ba, cần có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với giáo viên tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Vì những giáo viên này phải giảng dạy những đối tượng học sinh có đầu vào thấp, nhưng đầu ra lại phải thi chung đề.
Và cuối cùng, cần có văn bản chỉ đạo cho các ngành có liên quan hướng dẫn cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong việc thi (hoặc xét) thăng hạng cho giáo viên. Vì hiện nay, việc này chưa được hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện, cấp thực hiện”.
Thái Vân
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/de-xuat-co-huong-dan-thixet-thang-hang-doi-voi-giao-vien-trung-tam-gdnn-gdtx-post244782.gd