Hiện tại, Đồng Nai là một trong những tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. Toàn tỉnh có hơn 30 khu công nghiệp tập trung với gần 780.000 lao động. [1]
Phát triển thêm mô hình nhóm trẻ gia đình ở khu công nghiệp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cho biết, để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân, phòng giáo dục và đào tạo đã mở rộng quy mô và số lượng trường mầm non trên địa bàn huyện.
“Hiện tại, trên địa bàn huyện Long Thành đang có 18 trường mầm non - mẫu giáo. Những năm gần đây, phòng giáo dục và đào tạo đang đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, mở thêm các trường mầm non ngoài công lập để tăng thêm sự lựa chọn cho công nhân khi gửi con ở các nhà trẻ. Nhờ việc xã hội hóa giáo dục đối với bậc mầm non, địa phương cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu trường lớp ở bậc học này”, ông Toàn cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Thành (Đồng Nai). (Ảnh: website Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Tuy nhiên, thực tế nhiều gia đình công nhân gặp khó khăn trong việc gửi con vào trường mầm non do giờ giấc trường công không phù hợp, một số cơ sở giáo dục không nhận trông trẻ sau giờ hành chính, trong khi do tính chất công việc, công nhân thường xuyên phải tăng ca tới tối muộn. Nếu gửi con ở trường tư thục, học phí lại quá cao so với thu nhập của công nhân.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Thành chia sẻ, ngoài việc đầu tư mở rộng số lượng cơ sở giáo dục mầm non, địa phương còn phát triển thêm mô hình nhóm trẻ gia đình, dành cho trẻ từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi. Việc này đã góp phần giải quyết khó khăn, đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn huyện.
“Hầu hết công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo chỉ đạo từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, để khuyến khích công nhân gửi trẻ tại các cơ sở giáo dục, công nhân không có hộ khẩu thường trú vẫn được tạo điều kiện gửi con em tại các trường mầm non công lập.
Hiện tại, các thủ tục hành chính, xác nhận tiêu chuẩn, hồ sơ của cha mẹ trẻ tại các nhà máy, xí nghiệp để nhận hỗ trợ học mầm non được đơn giản hóa và có hướng dẫn rõ ràng trên cổng thông tin điện tử của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Thành, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai”, ông Toàn chia sẻ thêm.
Cũng là địa phương có nhiều khu công nghiệp, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế đang từng bước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp. Ông Nguyễn Quang Bình - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: “Do đặc thù tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hàng ngày sẽ có lượng lớn xe tải di chuyển ra vào. Nếu bố trí trường mầm non gần các địa điểm này sẽ gây nhiều nguy hiểm về giao thông, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của giáo viên và học sinh tại trường.
Vì vậy, hiện tại thị xã Hương Thủy không bố trí trường học gần khu công nghiệp mà sẽ bố trí cách khu công nghiệp khoảng 2-3 km. Chúng tôi tính toán với khoảng cách này sẽ hạn chế tác động từ giao thông, môi trường tới giáo dục, nhưng không quá xa nơi làm việc của bố mẹ, đảm bảo cho công nhân đưa đón con đi học thuận tiện”.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hương Thủy cũng thông tin thêm, qua khảo sát trên địa bàn thị xã, hầu hết công nhân ưu tiên gửi con tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập tại xã, phường gần nơi ở hoặc thuê trọ. Mặc dù số lượng trường, lớp mầm non được trang bị đầy đủ, nhưng tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo chưa cao.
Cần bổ sung cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới trường mầm non gần khu công nghiệp
Theo ông Nguyễn Công Hiếu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), những năm qua, theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sa Đéc đã và đang thực hiện hiệu quả Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Cụ thể, điều 8 Nghị định này quy định, trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định, có cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định, được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Ngoài ra, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng ban hành Nghị quyết số 72/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Phòng giáo dục và đào tạo đã phối hợp với địa phương hỗ trợ công nhân trên địa bàn hoàn thiện các thủ tục hành chính như: đơn đề nghị trợ cấp, giấy khai sinh của trẻ, giấy xác nhận tạm trú… để được hưởng trợ cấp theo quy định.
Học sinh Trường Mầm non Sen Hồng (thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp) tham gia hoạt động làm bánh. (Ảnh: website Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sa Đéc)
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sa Đéc cho biết, những văn bản trên đã tạo hành lang pháp lý, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc nâng cao giáo dục mầm non trên địa bàn. Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế cho thấy, giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp nói riêng và toàn thành phố nói chung vẫn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển về số lượng và tiêu chuẩn mới của ngành. Việc thực hiện bán trú ở tất cả các nhóm, lớp chưa đảm bảo 100%; giáo viên xin nghỉ, tinh giản biên chế, xin thôi việc đột xuất, xin chuyển công tác khá nhiều, một bộ phận giáo viên còn hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin.
Ông Hiếu mong muốn thời gian tới sẽ có thêm các chính sách góp phần đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sa Đéc mong muốn Ủy ban nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp sẽ có thêm các văn bản chỉ đạo để ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Không chỉ Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương ban hành nghị quyết nhằm hỗ trợ giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp.
Cụ thể, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đối với trẻ em, giáo viên và cơ sở giáo dục mầm non độc lập, dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong nghị quyết có quy định về chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non, trẻ em đang theo học tại các cơ sở này có cha mẹ là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, giáo viên mầm non.
Ông Nguyễn Quang Bình (bên phải) - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế). (Ảnh: Website Ủy ban nhân dân thị xã Hương Thủy)
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hương Thủy cho biết, để cải thiện chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn, phòng thường xuyên kiểm tra chất lượng bữa ăn, vệ sinh trường lớp tại các cơ sở giáo dục mầm non. Ngoài ra, phòng giáo dục và đào tạo phối hợp với nhà trường triển khai các khóa học đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Qua các khóa học này, giáo viên sẽ được trau dồi về trình độ chuyên môn, chủ động giáo dục trẻ theo hướng thích hợp, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường nói riêng và của toàn thị xã nói chung.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://laodongthudo.vn/tang-suc-hap-dan-cac-khu-cong-nghiep-tren-dia-ban-tinh-dong-nai-169306.html
Hà Giang