Đề xuất đầu tư gần 9.300 tỷ đồng nâng cấp 3 tuyến quốc lộ tại ĐBSCL

Đề xuất đầu tư gần 9.300 tỷ đồng nâng cấp 3 tuyến quốc lộ tại ĐBSCL
7 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Theo đề xuất, dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 9.297 tỷ đồng (tương đương 385,66 triệu USD), thuộc nhóm A và dự kiến được thực hiện trong 4,5 năm kể từ thời điểm Hiệp định vay có hiệu lực. Trong đó, chi phí dành cho từng tuyến gồm: Quốc lộ 53 khoảng 2.601 tỷ đồng, Quốc lộ 62 khoảng 3.241 tỷ đồng và Quốc lộ 91B khoảng 3.455 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm 262,22 triệu USD từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), dùng cho các hạng mục xây dựng, mua sắm thiết bị trước thuế, tư vấn giám sát thi công và chi phí dự phòng. Phần vốn đối ứng trong nước khoảng 2.976 tỷ đồng (tương đương 123,44 triệu USD) được cấp phát từ ngân sách trung ương để chi trả cho công tác quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, thuế, phí và các chi phí dự phòng khác.
Theo Bộ Xây dựng, mục tiêu chính của dự án là nâng cao hiệu quả và an toàn giao thông trên ba tuyến quốc lộ quan trọng, đồng thời cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nước biển dâng, xâm nhập mặn và sụt lún đất.
Dự án kết nối trực tiếp 4 tỉnh, thành phố gồm Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Cà Mau. Cụ thể, Quốc lộ 53 dài khoảng 41km qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long, sẽ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h. Mặt cắt ngang gồm nền đường rộng 12m và mặt đường 11m; Quốc lộ 62, dài khoảng 69km qua tỉnh Tây Ninh, cũng được cải tạo theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng. Các đoạn đã đạt quy mô sẽ giữ nguyên hiện trạng, chỉ tăng cường kết cấu mặt đường.
Trong khi đó, Quốc lộ 91B dài khoảng 141km đi qua TP Cần Thơ và tỉnh Cà Mau, được nâng cấp tương tự. Những đoạn đã đạt tiêu chuẩn sẽ duy trì hiện trạng, tập trung vào nâng cao chất lượng mặt đường.
Về quản lý dự án, Bộ Xây dựng cho biết, theo Nghị định số 165/2024/NĐ-CP về phân cấp quản lý quốc lộ, 3 tuyến quốc lộ nêu trên nằm trong diện phân cấp về địa phương. Bộ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính để thực hiện thủ tục điều chuyển tài sản về các địa phương quản lý, khai thác và đầu tư theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, nếu chuyển giao trách nhiệm chủ đầu tư về cho địa phương, sẽ phải điều chỉnh Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 09/1/2025 của Chính phủ và tách dự án thành 4 dự án thành phần giao cho 4 địa phương chủ trì. Phương án này đồng thời yêu cầu thực hiện lại quy trình đầu tư, bao gồm đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, và chờ các địa phương hoàn thiện bộ máy sau sáp nhập tỉnh mới có thể triển khai.
Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ xem xét giữ nguyên mô hình quản lý tập trung để đảm bảo tiến độ, đồng thời sớm phê duyệt chủ trương đầu tư nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn vay và đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL.
Anh Chi
Nguồn Doanh nhân & Pháp luật : https://doanhnhan.vn/de-xuat-dau-tu-gan-9300-ty-dong-nang-cap-3-tuyen-quoc-lo-tai-dbscl-84358.html