Dự án nâng cấp quốc lộ dư tiền ngàn tỷ
Tại Hội nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương hôm nay (13/7), ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã nêu thông tin kể trên.
Ông Lâu cho biết, dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 91 (Km0-Km7) có tổng mức đầu tư hơn 7.237 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.302 tỷ đồng, chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư hơn 5.556 tỷ đồng.
“Nhưng sau khi kiểm đếm, tổng chi phí bồi thường thực tế chỉ có 2.400 tỷ đồng, dự án lúc đầu khái toán chưa chính xác nên dẫn đến thừa 3.156 tỷ đồng”, ông Lâu nói.
Quốc lộ 91 đoạn Km0-Km7 qua Cần Thơ thường ngập mỗi khi mưa lớn, triều cường.
Với số vốn dư 3.156 tỷ đồng, ông Lâu kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố lập dự án mới sử dụng phần vốn này, như các khu tái định cư phục vụ dự án trong tương lai, hoặc đầu tư dự án mang tính động lực để phát triển Cần Thơ.
Kế hoạch vốn năm 2025 của dự án mở rộng quốc lộ 91 là 3.235 tỷ đồng, đã giải ngân 702 tỷ đồng, tổng cả năm 2025 khả năng giải ngân được 2.737 tỷ đồng, còn lại 497 tỷ đồng khó giải ngân. Lãnh đạo Cần Thơ sẽ có văn bản chính thức kiến nghị trung ương xem xét xử lý, có thể tạm điều chuyển hoặc kéo dài thời gian giải ngân sang năm 2026.
Dừng ODA, xin vốn mới
Đối với dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hungary, trong đó vốn ODA hơn 1.393 tỷ đồng, vốn đối ứng của thành phố hơn 334 tỷ đồng. Ông Lâu cho biết, dự án đã giải ngân hơn 253 tỷ đồng, hoàn thành thi công phần thô, chưa lắp đặt thiết bị y tế và nội thất bên trong. Tuy nhiên, do hiệp định vay hết hạn từ ngày 11/7/2022, không được gia hạn và ký mới nên đã ngưng thi công từ đó đến nay.
“Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài Chính, lãnh đạo thành phố kiến nghị Thủ tướng thống nhất chủ trương dừng sử dụng vốn ODA, đồng thời xem xét hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương hơn 1.334 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện dự án. Nếu được Thủ tướng thống nhất chủ trương, lãnh đạo thành phố cam kết hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2026”, ông Lâu nói.
Liên quan đến dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đồng thuận với đề nghị của thành phố Cần Thơ như trên. Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng sử dụng nguồn dự phòng, hoặc đưa vào nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, phải xác định dự án này như là ca cấp cứu, nên phải làm nhanh, Bộ Tài chính bố trí vốn, thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư, dứt khoát hoàn thành trong năm 2026…
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Văn Lâu phát biểu.
Kiến nghị xây dựng cơ chế đặc thù sau hợp nhất tỉnh
Về kết quả vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, quá trình triển khai bước đầu có gặp khó khăn. Tuy nhiên, sẽ hoàn thành các công việc sắp xếp đúng tiến độ, không để gián đoạn các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, không ảnh hưởng đến hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
Người đứng đầu UBND TP. Cần Thơ cũng kiến nghị Thủ tướng cho thành phố xây dựng cơ chế đặc thù sau khi hợp nhất tỉnh, để làm động lực để phát triển, như quy hoạch, khai thác cát biển…
Cảnh Kỳ