Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Xây dựng) vừa trình hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Dự án được xác định là công trình trọng điểm, có vai trò kết nối vùng duyên hải Nam Trung Bộ với khu vực Tây Nguyên, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực.
Theo quy hoạch, tuyến đường sẽ kéo dài khoảng 125km, đi qua địa phận tỉnh Bình Định hơn 40km và gần 85km còn lại thuộc tỉnh Gia Lai. Cao tốc được thiết kế với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, mặt đường rộng 24,75m, vận tốc khai thác 100km/h.
Tổng mức đầu tư sơ bộ được điều chỉnh lên khoảng 43.510 tỷ đồng, tăng 4.593 tỷ đồng so với tính toán trước đây. Nguyên nhân điều chỉnh, theo Ban Quản lý dự án 2, bao gồm: Cập nhật lại chiều dài tuyến, chi phí giải phóng mặt bằng theo khung giá đất mới tại địa phương, điều chỉnh theo suất đầu tư các dự án tương tự, cùng các chi phí quản lý, tư vấn và phát sinh kỹ thuật khác.
Nguồn vốn đầu tư được đề xuất huy động từ nhiều kênh: Phần tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024; ngân sách địa phương; và vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư, dự án sẽ được chia làm 3 dự án thành phần. Cụ thể: Dự án thành phần 1 dài 22km, nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Bình Định, với tổng mức đầu tư gần 6.900 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 dài 68km, đi qua cả hai tỉnh Bình Định và Gia Lai, có tổng mức đầu tư hơn 27.400 tỷ đồng, là hạng mục lớn nhất của toàn tuyến.
Dự án thành phần 3 dài gần 35km, nằm trong địa phận tỉnh Gia Lai, tổng mức đầu tư gần 9.200 tỷ đồng.
Nếu được thông qua, dự án sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, giảm tải áp lực cho Quốc lộ 19 hiện hữu và nâng cao khả năng kết nối liên vùng, đặc biệt trong vận chuyển hàng hóa từ các cửa khẩu Tây Nguyên ra cảng biển Quy Nhơn.
Văn Hùng