Mở rộng đối tượng tham gia
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015 - 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm (bình quân tăng khoảng trên 6%/năm), đến năm 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Luật Việc làm hiện hành quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp để đảm bảo tốt quyền lợi cho người lao động.
Luật cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian và một số đối tượng có hưởng lương khác chưa thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng hiện nay đang thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Vì vậy, Dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Bên cạnh đó, Luật Việc làm hiện hành quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng, chưa đảm bảo tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái hoặc khi Quỹ kết dư lớn.
Do đó, dự thảo Luật đã sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.
Đồng thời, Dự thảo Luật cũng sửa đổi các chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo hướng: Quy định các trường hợp người sử dụng lao động được hỗ trợ (như lý do kinh tế, thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Bộ luật Lao động; thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh).
Trong giai đoạn 2015 - 2023, cả nước có 256.350 người được hỗ trợ học nghề, bình quân 28.483 người/năm. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm 2013 mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp, mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động...
Vì vậy, dự thảo Luật mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo nghề, mà cả các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Xử lý việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp
Thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn tỉnh Tiền Giang) đề cập đến quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo quy định của pháp luật về lao động, người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động, hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức, thì không được nhận tiền trợ cấp thôi việc. Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, đại biểu đề nghị cân nhắc bỏ quy định trên để tạo điều kiện người lao động được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc “đóng - hưởng”.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn tỉnh Lào Cai) đề nghị, điều chỉnh tăng mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp quy định từ 60% lên ít nhất là 80% mức tiền lương mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.
Đại biểu dẫn chứng, với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu vùng, ví dụ, với vùng IV, thì mức trợ cấp thất nghiệp chỉ được 2.214.000 đồng/tháng, như vậy là rất thấp. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, cần điều chỉnh mức trợ cấp thất nghiệp lên ít nhất 80% để đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhu cầu cuộc sống.
Theo đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn tỉnh Bắc Ninh), cần bỏ quy định thời gian hưởng tối thiểu là 3 tháng, thay vào đó là tính hưởng theo thời gian đóng, đóng đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng, sau đó đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Đồng thời, bỏ quy định không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng; với người lao động khi nghỉ hưu còn thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng thì cũng được hưởng một khoản trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp một lần, tương tự như khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm tính công bằng có đóng, có hưởng.
Đại biểu Thái Thu Xương (Đoàn tỉnh Hậu Giang) đề nghị nghiên cứu, có giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết các vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp với hướng xử lý như với bảo hiểm xã hội.
Đại biểu nêu rõ, người lao động đóng góp bảo hiểm thất nghiệp để chẳng may khi bị mất việc làm, thì còn có sự hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng thì người lao động sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. “Do đó, cần nghiên cứu để thực hiện, không nên đẩy vấn đề khó khăn này cho người lao động", đại biểu Thái Thu Xương nhấn mạnh.
Phương Thảo