Đề xuất đối tượng dân sự được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Đề xuất đối tượng dân sự được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
3 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh buổi thẩm định.
Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam cho biết hoạt động GGHB Liên hợp quốc (LHQ) là cơ chế đặc biệt trong khuôn khổ LHQ dựa vào nguồn lực và lực lượng do các nước thành viên đóng góp, đặt dưới sự chỉ huy của LHQ thể theo những quy định về an ninh tập thể của Hiến chương LHQ.
Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng phát biểu tại buổi thẩm định.
Từ tháng 6/2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ; đến nay đã cử hơn 1000 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi thực hiện nhiệm vụ. Các lực lượng Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Lãnh đạo LHQ, Chỉ huy Phái bộ, Chính quyền nước sở tại và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Qua đó góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Đồng thời, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của Việt Nam và đóng góp vào chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng GGHB của LHQ thời gian qua đã phát sinh một số hạn chế, bất cập.
Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Tham gia lực lượng GGHB của LHQ là cần thiết, không chỉ nhằm đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia GGHB của LHQ mà còn củng cố sự đồng thuận chính trị, sự ủng hộ xã hội đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp vào sứ mệnh cao cả của LHQ là GGHB thế giới.
Điểm mới của dự thảo Luật so với Nghị quyết số 130/2020/QH14 đã mở rộng phạm vi cả đối với đối tượng dân sự tham gia lực lượng GGHB của LHQ. Theo đó, dự thảo quy định đối tượng áp dụng bao gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng GGHB của LHQ; Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng GGHB của LHQ; Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng GGHB của LHQ.
Các đại biểu trao đổi ý kiến.
Tại phiên họp, cho ý kiến về quy trình triển khai lực lượng tham gia hoạt động GGHB của LHQ, đại diện Bộ Công an cho rằng hiện quy trình này tương đối phức tạp, trải qua nhiều bước, chưa có sự phân cấp, phân quyền hợp lý dẫn tới lãng phí thời gian, nguồn lực và chưa đảm bảo các yêu cầu về thời gian triển khai lực lượng theo đề nghị của LHQ. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rút gọn quy trình cử, điều chỉnh, rút lực lượng vũ trang, dân sự.
Về chế độ chính sách cho cá nhân tham gia lực lượng là nữ, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, mặc dù tỷ lệ nữ trong lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam khá cao so với mức trung bình của LHQ, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng chỉ tiêu của LHQ đặt ra. Do đó, cần bổ sung các chính sách quan tâm, ưu đãi, động viên đối với lực lượng quân nhân nữ để thu hút họ tham gia nhiều hơn và yên tâm công tác.
Cùng với đó, các thành viên cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát thêm các cam kết và điều ước quốc tế có liên quan; đồng thời giải trình thêm về việc mở rộng đối tượng áp dụng bao gồm cả lực lượng dân sự (bên cạnh lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an); nghiên cứu các quy định về mua sắm hàng hóa, trang thiết bị cho các nhiệm vụ GGHB của LHQ, nguồn kinh phí đảm bảo việc tham gia hoạt động GGHB LHQ...
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá dự thảo Luật bám sát các văn bản của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và các chính sách đã được Quốc hội thông qua. Dự thảo Luật cũng phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; phù hợp với Hiến pháp và các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định, thỏa thuận của LHQ liên quan đến lực lượng GGHB; đồng thời đánh giá kỹ điều kiện đảm bảo nguồn lực tài chính và việc lồng ghép bình đẳng giới.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu kết luận thẩm định.
Về việc mở rộng đối tượng áp dụng gồm cả lực lượng dân sự, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phân tích, đánh giá kỹ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc mở rộng đối tượng; trong đó phải làm rõ những kết quả của Việt Nam khi tham gia lực lượng GGHB LHQ. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu cơ quan chủ trì nghiên cứu biện pháp tăng cường quản lý, gắn kết lực lượng; cân nhắc quy trình rút lực lượng trong trường hợp khẩn cấp; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong GGHB. Cùng với đó cũng cần chú trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; làm rõ vai trò của các bộ, ngành trong quy trình chọn, cử, quản lý lực lượng GGHB…
T.Oanh
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/de-xuat-doi-tuong-dan-su-duoc-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hop-quoc-post528848.html