Biểu tượng tinh thần đoàn kết, vượt khó và chiến thắng của người Việt Nam

Biểu tượng tinh thần đoàn kết, vượt khó và chiến thắng của người Việt Nam
2 giờ trướcBài gốc
Tọa đàm “Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhằm tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam”. Ảnh: Duy Thông
Đây là chia sẻ rất chân thành của Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng tại Tọa đàm “Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhằm tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều nay, 17.10, tại Hà Nội.
Niềm vinh dự, tự hào
Hoạt động gìn giữ hòa bình là một cơ chế đặc biệt, được Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc triển khai lần đầu tiên vào năm 1948, đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, chấm dứt xung đột, xây dựng hòa bình bền vững tại các quốc gia.
Là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Từ tháng 6.2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Qua đó, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của Việt Nam và đóng góp vào chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời bình.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông
Nhận định về sự đóng góp ý nghĩa này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình cho rằng, với đất nước chúng ta, việc cử các sĩ quan, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là một bước phát triển vượt bậc về vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Cũng theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, gần như tất cả lĩnh vực của chúng ta đều đã tham gia vào hội nhập quốc tế toàn diện và việc cử các cán bộ, chiến sĩ của lực lượng quân đội, lực lượng công an tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là một minh chứng rất rõ ràng cho việc thực hiện đường lối đối ngoại hội nhập toàn diện của đất nước.
“Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ với cá nhân chiến sĩ, sĩ quan tham gia”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình chia sẻ.
Dường như đã vượt ra khỏi khung khổ của một cuộc tọa đàm thông thường để bàn về thực trạng, hoàn thiện cơ chế chính sách. Buổi tọa đàm hôm nay như là dịp để những đại biểu tham dự được bày tỏ những tình cảm trân quý đối với những chiến sỹ “mũ nồi xanh” tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Đây là dịp để chúng ta hiểu hơn về những cống hiến, những hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ “mũ nồi xanh” - những người làm đẹp thêm hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ảnh: Duy Thông
Trong 10 năm qua, các mặt hợp tác cũng như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của chúng ta đã đạt được những kết quả ấn tượng, được lãnh đạo Liên Hợp Quốc và các đồng nghiệp quốc tế cũng như người dân ở địa phương, địa bàn đánh giá rất cao.
Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
Đó là cảm xúc khi “rất nhiều người dân đứng nhìn qua cửa sổ để được thấy những chiến sỹ ‘mũ nồi xanh’ kính cẩn nghiêng mình trước vị Cha già dân tộc trước khi lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả. Trân trọng cảm ơn các đồng chí đại diện cho lực lượng quân đội, lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ trên mặt trận ngoại giao của đất nước”. Đây là chia sẻ đầy xúc động của Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình tại tọa đàm chiều nay.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông
Là người trực tiếp đến công tác tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng cho biết, Liên Hợp Quốc đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, trình độ, năng lực, kỹ thuật chuyên môn, đặc biệt là tinh thần quốc tế cao cả của lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Liên Hợp Quốc đề nghị không những mở rộng lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam còn nên ưu tiên tập huấn, huấn luyện cho lực lượng khác ở khu vực Đông Nam Á.
"Hình ảnh cán bộ, chiến sỹ “mũi nồi xanh” mọi người đều cảm mến, mang lại an toàn, hy vọng cho người dân ở khu vực hậu xung đột. Họ đã hy sinh tình cảm gia đình, xa quê hương, đất nước để công tác tại khu vực đặc biệt, hiểm nguy. Với cá nhân tôi cảm thấy tự hào, cảm phục", Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng xúc động nói.
Tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho rằng, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể trong việc tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình. Đó là, môi trường hoạt động tại các khu vực xung đột luôn rất phức tạp, với nhiều yếu tố nguy hiểm như bạo lực, bất ổn chính trị, dịch bệnh và điều kiện sống khó khăn. Điều này đòi hỏi các lực lượng tham gia phải có kỹ năng chuyên môn cao, lòng dũng cảm, và đặc biệt là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả vật chất lẫn tinh thần. Các quy định pháp lý của Việt Nam hiện nay về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình vẫn còn một số hạn chế, cần phải được bổ sung, cập nhật và điều chỉnh sao cho phù hợp với những thay đổi trong bối cảnh quốc tế và nhu cầu thực tiễn của các sứ mệnh. Cùng với đó, là thách thức về nguồn lực. Chúng ta phải tính toán đến việc đảm bảo quyền lợi, phúc lợi và bảo vệ an toàn cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia các sứ mệnh này.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông
Trong khi đó, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho rằng, khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc thì phải có năng lực chuyên môn. Ngoài chuyên môn, chúng ta phải có kiến thức của Liên Hợp Quốc để triển khai luật pháp quốc tế, đối ngoại, kiến thức làm việc nhóm trong môi trường đa quốc gia. Hiện chúng ta có khó khăn về kiến thức, kỹ năng quân sự, khó khăn nữa là về ngoại ngữ. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta thiếu đội ngũ bác sỹ sản và đây là yêu cầu bắt buộc. “Đáp ứng chuyên môn về năng lực thực hiện trong nhiệm vụ phái bộ, đòi hỏi của Liên Hợp Quốc của chúng ta còn nhiều khó khăn, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nhận định.
Hoạt động gìn giữ hòa bình là một hoạt động rất đặc thù. Đặc thù ở đây không chỉ là môi trường rủi ro, nguy hiểm, hoạt động trong môi trường đa quốc gia. Ngoài ra, còn ở các hoạt động ngoài nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc, như: thể hiện hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Các sỹ quan tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là sứ giả của đất nước, của lực lượng Quân đội và lực lượng Công an.
Đại tá Nguyễn Ngọc Thọ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc
Trước những thách thức nêu trên, việc hoàn thiện hành lang pháp lý để Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế là một yêu cầu cấp bách. Chúng ta mới tham gia 10 năm nên không thể tránh khỏi hệ thống văn bản hệ thống pháp luật về lĩnh vực gìn giữ hòa bình chưa đồng bộ, chưa theo kịp với sự phát triển của nhiệm vụ hiện nay. Nhất là công tác điều phối quốc gia về tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc vẫn chưa rõ nét, chưa thực hiện đồng bộ bài bản. Một số chính sách đảm bảo lực lượng tham gia hoạt động chưa được áp dụng trong điều kiện thực tiễn. Mặc dù chúng ta đã có Nghị định 162, hiện đang trình Chính phủ để sửa đổi nhưng trong quá trình thực hiện vẫn có những khó khăn. Do đó, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, cần có văn bản cao hơn ở tầm luật để đáp ứng tình hình thực tiễn hiện nay.
Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông
Theo chương trình nghị sự, dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025), và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười (tháng 10.2025). Nhấn mạnh việc xây dựng Luật này là cần thiết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, chúng ta cần có văn bản pháp lý hiệu lực cao hơn để có cơ sở pháp lý vững chắc, thể hiện được cho cộng đồng quốc tế thấy rõ trách nhiệm, sự nghiêm túc của chúng ta trong quy định pháp lý. Đồng thời, bảo đảm các quy định phù hợp với cam kết quốc tế mà chúng ta tham gia trong lĩnh vực này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông
“Dự án Luật do Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật phối hợp tham gia thẩm tra, tham gia chỉnh lý, hoàn thiện. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh để có dự án luật bảo đảm chất lượng, phát huy hiệu quả trên thực tế”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương nói.
Song Hà
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bieu-tuong-tinh-than-doan-ket-vuot-kho-va-chien-thang-cua-nguoi-viet-nam-post393565.html