Những chiến sĩ mũ nồi xanh trên mặt trận ngoại giao của đất nước

Những chiến sĩ mũ nồi xanh trên mặt trận ngoại giao của đất nước
2 giờ trướcBài gốc
Vượt khó, không ngừng lớn mạnh
Chia sẻ tại Tọa đàm“Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhằm tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 17.10, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Phạm Phú Bình cho biết, việc cử các sĩ quan, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là một bước phát triển vượt bậc về vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
“20 năm trước chúng ta còn chưa mường tượng được có thể cử những chiến sĩ mũ nồi xanh tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Tuy vậy, chỉ trong 10 năm qua chúng ta đã thực hiện được. Từ bước đầu chỉ được một vài chiến sĩ như những cá nhân tham gia nhưng cho đến nay, chúng ta đã cử được các đơn vị với đầy đủ lực lượng chuyên môn, trang thiết bị tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc” – ông Phạm Phú Bình cho hay.
Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Phạm Phú Bình phát biểu tại tọa đàm.
Trong 10 năm trở lại đây, nhất là sau khi sau khi có Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta đang triển khai theo định hướng hội nhập quốc tế toàn diện. Và việc cử các cán bộ, chiến sĩ của lực lượng quân đội, lực lượng công an tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là một minh chứng rất rõ ràng cho việc thực hiện đường lối đối ngoại hội nhập toàn diện của đất nước. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ với cá nhân chiến sĩ, sĩ quan tham gia. Song, chặng đường vẫn còn không ít khó khăn.
Về chuyến công tác của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ở các nước châu Phi, ông Bình chia sẻ, trong bối cảnh có những rủi ro rất lớn về dịch bệnh, đã có lần đề nghị phải tiêm vaccine ruồi vàng. Tuy cũng tìm, liên hệ với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng nhưng cũng không có vaccine để tiêm. Khi họp Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) dù chỉ ở một tuần tại Algeria, chúng tôi được khuyến cáo không được uống nước từ vòi, kể cả trong khách sạn năm sao đã đun vì nguy cơ gây bệnh rất cao. Trong khi đó các chiến sĩ mũ xanh của chúng ta ở đó một năm thì rủi ro mà các chiến sĩ gặp phải rất lớn.
Thêm một cảm nhận khác từ ông Bình với phòng làm việc nhìn sang Lăng Bác, thường được chứng kiến các đoàn đến viếng Bác hoặc báo công.
“Một buổi sáng khi nhìn qua cửa sổ được chứng kiến đoàn chiến sĩ mũ nồi xanh, rất cảm động. Rất nhiều người dân cũng nhìn qua cửa sổ để được thấy những chiến sĩ kính cẩn nghiêng mình trước vị cha già dân tộc trước khi lên đường đi làm nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả. Trân trọng cảm ơn các đồng chí đại diện cho lực lượng quân đội, lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ trên mặt trận ngoại giao của đất nước” - ông Bình nhấn mạnh.
Cần sớmhoàn thiện hành lang pháp lý
Với góc độ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, một trong những nhiệm vụ chính tham gia thẩm tra các dự án luật là thẩm tra tính tương thích của các dự án luật đối với các điều ước quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Cần phải nhắc lại là theo Hiến pháp năm 2013 chúng ta đã khẳng định sẽ tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và các điều quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo Luật Điều ước quốc tế năm 2016, chúng ta cũng khẳng định không chỉ tuân thủ pháp luật quốc tế và Điều ước quốc tế mà trong trường hợp có sự khác nhau giữa nội luật và cam kết quốc tế về một vấn đề cụ thể thì cam kết quốc tế sẽ có hiệu lực thi hành cao hơn. Chúng ta sẽ phải tuân thủ cam kết quốc tế nếu như nội luật có những quy định khác. Đây chính là một trong những lý do chính chúng ta phải nội luật hóa các cam kết quốc tế.
Lực lượng gìn giữ hòa bình- những chiến sĩ mũ nồi xanh- được coi là đại sứ của Liên Hợp Quốc và cả các quốc gia gửi đi. Những chiến sĩ mũ nồi xanh phải vừa gìn giữ hòa bình nhưng vừa cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế; vừa bảo đảm tuân thủ luật pháp nước sở, đồng thời tuân thủ pháp luật nước cử đi. Do đó, tính phức tạp của khuôn khổ pháp lý rất lớn.
Tọa đàm “Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhằm tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam”
Khi soi chiếu các khuôn khổ pháp luật trong nước đối với lực lượng gìn giữ hòa bình, có thể thấy chúng ta còn có những khoảng trống. Cho đến thời điểm này, văn bản pháp luật cao nhất, cụ thể nhất là Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Như vậy từ năm 2014 đến 2020 chúng ta cử các lực lượng giữ hòa bình đi không có căn cứ vững nhất.
Chúng ta đang bàn đến việc xây dựng Dự luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025) và sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2025), nếu như được thông qua thì giữa năm 2026 mới có hiệu lực. Như vậy, giai đoạn này có những khoảng trống nhất định về mặt căn cứ pháp lý cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình.
Chúng ta cần phải tuân thủ thứ nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc - văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của luật pháp quốc tế. Thứ hai là những luật của Liên Hợp Quốc mà chúng ta là thành viên như Luật Nhân quyền quốc tế, Luật Nhân đạo quốc tế, Luật Người tị nạn quốc tế và Luật Hình sự quốc tế… đề cập đến những lĩnh vực nhạy cảm như về nhân đạo, tị nạn và hình sự. Khoảng trống về mặt pháp lý đối với những luật pháp quốc tế, luật pháp trong nước đặt các lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình trong những rủi ro nhất định. Vì vậy, cần có được một dự án luật càng sớm càng tốt.
Hải Yến lược ghi
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/nhung-chien-si-mu-noi-xanh-tren-mat-tran-ngoai-giao-cua-dat-nuoc-post393558.html