Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon, thuốc bảo vệ thực vật vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 22/11, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) bày tỏ nhất trí cao với đề xuất đưa vàng mã, hàng mã thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi việc đốt vàng mã của người dân ngày càng trở nên phổ biến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và gây lãng phí lớn.
Hiện nay chỉ số bụi mịn tại các đô thị lớn trong đó có Hà Nội đang lên rất cao, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân.
Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội)
Do đó, ngoài những biện pháp như tuyên truyền, vận động người dân giảm đốt vàng mã thì biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này mục đích là để dần thay đổi hành vi đốt vàng mã của người dân, góp phần giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Nữ đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung mặt hàng như túi nilon, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây là những mặt hàng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguy hại đến sức khỏe của người dân.
Cũng liên quan tới thuế TTĐB với vàng mã, đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) cho rằng, nhiều năm trở lại đây, việc đốt các loại tiền vàng mã, hàng mã có xu hướng gia tăng, bộc lộ những vấn đề tiêu cực.
Theo thống kê hàng năm, Việt Nam có hơn 20 triệu hộ dân thường xuyên mua sắm, đốt vàng mã, theo ước tính mỗi hộ chi tối thiểu khoảng 200.000 đồng/năm mua sắm đồ vàng mã thì số tiền chi cho việc đốt vàng mã của cả nước khoảng 4.000 tỷ đồng, nếu mỗi gia đình sử dụng khoảng 2 kg/năm thì số lượng vàng mã được đốt đạt khoảng 40.000 tấn.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tăng thuế vàng mã, hàng mã lên 80% để người dân hạn chế việc đốt vàng mã tràn lan, ồ ạt như hiện nay gây lãng phí.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không phải xa xỉ
Thảo luận tại tổ về Luật Thuế TTĐB, đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ tán thành và đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Tuy nhiên, bà có thêm một số ý kiến về một số mặt hàng chịu thuế TTĐB.
Theo bà Nga, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, người dân sử dụng phổ biến cho các phương tiện vận tải, phương tiện di chuyển, không phải mặt hàng xa xỉ.
Đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
"Bản chất mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào mặt hàng xa xỉ để không khuyến khích tiêu dùng. Nhưng áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là đánh vào mặt hàng thiết yếu và như vậy sẽ không đúng với bản chất, mục đích của loại thuế suất này. Do vậy, tôi đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu", đại biểu Lê Thị Nga đề nghị.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
"Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này", đại biểu Phạm Hùng Thắng nêu ý kiến.
Nông dân, doanh nghiệp lo nước dừa cũng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt
Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho rằng, đánh thuế TTĐB với nước giải khát có hàm lượng đường cần phải định nghĩa rõ ràng.
“Đánh thuế áp dụng với nước ngọt có ga hay gồm cả nước trái cây, rau quả, nước uống để giải khát? Vấn đề này doanh nghiệp rất băn khoăn, không biết có bị đánh thuế hay không?”, ông Sơn đặt câu hỏi, đồng thời nêu dẫn chứng tại tỉnh Bến Tre, người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến từ dừa đang rất lo lắng bởi quy định không rõ ràng này.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre)
Theo đại biểu Nguyễn Trúc, trái dừa Bến Tre chiếm 70% cả nước, mặc dù ngọt và có đường nhưng vẫn là nước uống từ thiên nhiên. Do đó, việc quy định hàm lượng đường cần phải rõ ràng, với các mức áp thuế cụ thể cho hàm lượng đường trong sản phẩm, thay vì đánh thuế cả gói.
"Bến Tre xuất khẩu từ dừa với doanh thu hằng năm 500 triệu USD, các sản phẩm như nước dừa đóng lon, sữa dừa sản xuất… Việc đánh thuế như vậy có nghĩ đến phát triển của ngành? Cần làm rõ chứ đánh thuế chung chung sẽ ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp", đại biểu tỉnh Bến Tre nói.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cũng bày tỏ nhất trí với việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đại biểu tỉnh Hòa Bình, các nghiên cứu và thực tế cho thấy, nước giải khát có đường là một trong những nguyên nhân gây nên thừa cân, béo phì và cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Chính vì vậy, việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình)
Bên cạnh đó, nữ đại biểu cũng cho rằng, trong báo cáo đánh giá tác động chưa đề cập đến tác động chính của chính sách đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
“Hiện nay, chúng ta đang có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này và tác động cụ thể liên quan đến các doanh nghiệp này như thế nào. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để bổ sung những căn cứ, để làm sao quy định rõ hàm lượng đường cho phù hợp và đảm bảo khi chúng ta tổ chức triển khai thực hiện thì dễ thực hiện và áp dụng trong thực tiễn”, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc nêu ý kiến.
Làm rõ hơn về mục tiêu dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho rằng, việc sửa đổi lần này phải hướng đến việc đánh thuế những mặt hàng xa xỉ hoặc những mặt hàng có tác động tiêu cực tới môi trường. Bởi vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo đảm “đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra”.
Cẩm Tú/VOV.VN