Đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2026

Đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2026
10 giờ trướcBài gốc
Giữ mức thuế thấp trong năm 2026 để hỗ trợ phục hồi
Theo nội dung dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất trong năm 2026, mức thuế BVMT đối với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít - chỉ bằng một nửa mức trần 4.000 đồng/lít được quy định tại Nghị quyết 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tương tự, thuế với dầu diesel, dầu mazut và dầu nhờn được giữ ở mức 1.000 đồng/lít; dầu hỏa là 600 đồng/lít; mỡ nhờn ở mức 1.000 đồng/kg.
Điểm đáng chú ý trong đề xuất là mức thuế BVMT với nhiên liệu bay sẽ tăng từ 1.000 đồng/lít hiện nay lên 2.000 đồng/lít trong năm 2026, gấp đôi so với mức đang áp dụng.
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để hỗ trợ doanh nghiệp đến hết năm 2026
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết việc giữ thuế ở mức thấp trong năm 2026 nhằm giảm áp lực chi phí đầu vào cho sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát. Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cả trong nước và quốc tế.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2027, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng trở lại mức thuế BVMT tối đa theo Nghị quyết 579. Cụ thể: Xăng (trừ ethanol): 4.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay: 3.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn: 2.000 đồng/lít hoặc kg; Dầu hỏa: 1.000 đồng/lít
Đây là mức thuế được Quốc hội thông qua từ trước đại dịch COVID-19, nhưng đã được điều chỉnh giảm mạnh trong giai đoạn 2020-2023 để hỗ trợ nền kinh tế. Theo Bộ Tài chính, khi nền kinh tế phục hồi ổn định hơn, việc khôi phục mức thuế này là cần thiết nhằm tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Tác động tới doanh nghiệp và các ngành kinh tế
Đánh giá về đề xuất của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng cho rằng chính sách thuế BVMT mới sẽ có tác động rõ rệt tới một số ngành nghề sử dụng nhiều nhiên liệu, đặc biệt là vận tải, logistics và hàng không.
“Trong năm 2026, ngành vận tải đường bộ và logistics sẽ được hưởng lợi nhờ thuế dầu diesel duy trì ở mức thấp, giúp giảm chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, từ năm 2027, khi thuế tăng gấp đôi, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với áp lực lớn hơn về chi phí vận hành”, ông Lạng nhận định.
Đối với ngành hàng không, việc tăng thuế nhiên liệu bay ngay từ năm 2026 sẽ khiến chi phí khai thác gia tăng đáng kể. Điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới biến động mạnh và nhu cầu phục hồi chưa ổn định.
Từ góc độ ngân sách, việc duy trì mức thuế thấp trong năm 2026 tiếp tục thể hiện chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa với việc giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước. Do đó, lộ trình tăng thuế trở lại từ năm 2027 được xem là bước cần thiết để củng cố nguồn lực tài chính phục vụ chi tiêu công, an sinh xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia, đề xuất thuế BVMT lần này cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn là hỗ trợ phục hồi kinh tế và mục tiêu dài hạn về tài chính bền vững và chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, việc tăng mạnh thuế từ năm 2027 cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. “Nếu thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc tăng thuế đột ngột có thể tạo cú sốc về chi phí cho doanh nghiệp và áp lực lạm phát với người tiêu dùng. Vì vậy, cần có lộ trình truyền thông rõ ràng, các chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, tiết kiệm nhiên liệu, và ưu đãi tài chính đi kèm để giảm thiểu tác động tiêu cực”, ông Nguyễn Thường Lạng khuyến nghị.
Hiện tại, dự thảo nghị quyết đang được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân. Bộ Tài chính khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án tài chính phù hợp cho cả hai giai đoạn - trước và sau năm 2027 - để ứng phó với các thay đổi về chính sách thuế.
Đồng thời, doanh nghiệp được khuyến khích tham gia đóng góp ý kiến để chính sách khi ban hành vừa khả thi, vừa hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Việc chủ động thích ứng với thay đổi về thuế không chỉ là bài toán chi phí, mà còn là động lực để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.
Huy Tùng
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/de-xuat-giam-50-thue-bao-ve-moi-truong-voi-xang-dau-den-het-nam-2026-730323.html