Đề xuất gỡ vướng trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trên tài sản được tài trợ

Đề xuất gỡ vướng trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trên tài sản được tài trợ
một ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa: TTXVN
Việc ban hành Nghị quyết 30 đã giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thiết bị y tế phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh do chưa xác lập sở hữu toàn dân theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Đồng thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện trên các thiết bị y tế cho, tặng nhưng do một số nguyên nhân khách quan, chủ quan chưa thể xác lập sở hữu toàn dân, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Để hạn chế các vướng mắc này, tại khoản 4 Điều 118 của Nghị định số 96/2023/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh) tiếp tục quy định tài sản, phương tiện và hiện vật được tài trợ nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân được sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và chi phí khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng các tài sản này được thu của người bệnh hoặc được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết, chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện trên các tài sản, phương tiện và hiện vật được tài trợ nhưng chưa hoàn thành xác lập sở hữu toàn dân trước ngày 4/3/2023 vẫn chưa được giải quyết. Thời điểm ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP, Bộ Y tế chưa thống kê được số liệu đầy đủ các khó khăn, vướng mắc này, nên chưa có phương án đề xuất quy định cho thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện trên các tài sản được cho, tặng chưa hoàn thành xác lập sở hữu toàn dân từ ngày 4/3/2023 trở về trước.
Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng số chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện trên các thiết bị y tế chưa xác lập sở hữu toàn dân theo Nghị định số 29/2018/NĐ-CP tới trước ngày 4/3/2023 khoảng 660 tỷ đồng, tại 47 tỉnh, thành phố. Các chi phí này đã được thực hiện cho người tham gia bảo hiểm y tế và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng của dịch vụ đã cung cấp.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc trên, Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ quy định theo hướng các chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã thực hiện trên tài sản, phương tiện và hiện vật được tài trợ nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân trong giai đoạn trước ngày 4/3/2023 được áp dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 118 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Theo đó, chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện trên tài sản, phương tiện và hiện vật được tài trợ nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân thì được thu của người bệnh hoặc được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng, dịch vụ y tế cung cấp từ các tài sản này và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản trong quá trình sử dụng.
Chu Thanh Vân (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/y-te/de-xuat-go-vuong-trong-thanh-toan-chi-phi-kham-chua-benh-tren-tai-san-duoc-tai-tro-20250401181035912.htm