Quốc hội sáng nay thảo luận dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu là quy định: Trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.
Phải giới hạn khi nào hết việc 'cầm tay, chỉ việc'
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đánh giá dự thảo luật thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và đề cao trách nhiệm của UBND, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp. Tuy nhiên, ông đề nghị làm rõ thêm cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của UBND, cần bổ sung quy định bắt buộc về công khai, minh bạch các quyết định của chính quyền địa phương, đặc biệt là liên quan đến ngân sách, đất đai, đầu tư...
"Với tinh thần những việc gì tốt nhất cho người dân, chính quyền, sự phát triển thì chúng ta ủng hộ việc phân cấp, phân quyền và làm bằng được. Còn những việc nào mà khó, có khả năng gây rủi ro thì hết sức tránh...", ông An nhấn mạnh.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai)
Ông cho rằng, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội thì UBND, Chủ tịch UBND có thể trực tiếp làm những việc của cấp dưới. Và việc này chỉ trong trường hợp cần thiết nhằm nhằm phát huy, phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quyền lợi người dân, "cũng phải có những giới hạn khi nào hết việc cầm tay, chỉ việc".
"Tôi nghĩ chỉ thực hiện trong giai đoạn đầu. Còn sau bộ máy nhuần nhuyễn rồi cần được giới hạn", đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng quy định này không rõ ràng trách nhiệm giữa 2 cấp chính quyền, chưa phù hợp nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, khi đi vào thực tế sẽ phát sinh các khả năng.
Đó là, không có cơ sở xác định việc nào là trường hợp cần thiết để UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Cấp xã sẽ đùn đẩy trách nhiệm lên cấp tỉnh nếu ngại khó khăn hoặc sợ trách nhiệm. Cấp tỉnh tập trung, thâu tóm quyền lực đối với các lĩnh vực, công việc có yếu tố dễ phát sinh lợi ích như quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi, quản lý dự án, đất đai, khoáng sản, tài nguyên, nhân sự, cung cấp dịch vụ công hạ tầng công ích…
Từ đó có thể làm suy yếu vai trò của cấp xã vốn được định hướng là cấp trực tiếp thực thi, giải quyết công việc trên địa bàn; tạo khoảng cách xa hơn đối với người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu phân tích, quá trình tổ chức mô hình chính quyền cấp xã mới chắc chắn sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề thực tiễn và pháp lý cần hoàn thiện nhưng không vì thế mà đưa ra các chế định dẫn đến tập trung quyền lực ở cấp tỉnh, cần kiên định nguyên tắc trao quyền cho cấp xã.
Các cơ quan Trung ương và cấp tỉnh có vai trò và trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ nhân lực, đào tạo chuyên môn, chuyển giao công nghệ, dữ liệu và ứng dụng trong giai đoạn đầu để ổn định, hoàn thiện mô hình, giúp cho chính quyền cấp xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; không nên so sánh yêu cầu, điều kiện, năng lực giữa mô hình cũ và mô hình mới mà phân vân, lưỡng lự trong tổ chức thực hiện pháp luật và nhiệm vụ.
HĐND không bầu chủ tịch tỉnh
Nêu ý kiến về bầu và bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, tinh thần thể chế không chỉ để quản lý mà con là kiến tạo, xây dựng thể chế thì phải trao quyền nhiều hơn cho địa phương nhưng cũng cần trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: Quốc hội
Dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: HĐND bầu Chủ tịch UBND theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND, bầu Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên Ủy ban theo giới thiệu của Chủ tịch UBND. Quy định này cũng theo tinh thần của điều 114 của Hiến pháp.
Tuy nhiên khoản 4, điều 37 khi quy định HĐND sẽ bãi nhiệm các chức vụ do HĐND bầu. Tới điều 41 khi Thủ tướng quyết định cách chức Chủ tịch UBND, điều động Chủ tịch UBND thì không cần HĐND miễn nhiệm. Đại biểu thấy rằng quy định này thì đúng Hiến pháp nhưng về mặt logic thì không đảm bảo.
"HĐND bầu thì HĐND phải miễn nhiệm. Nếu làm đúng thì lại rắc rối, Thủ tướng mà lại xin ý kiến HĐND mới được miễn nhiệm thì nó lại làm phức tạp quá trình điều hành. Nếu giữ nguyên khoản 2 điều 41 thì tôi nghĩ để cho thuận tiện thì nên sửa điều 36.
Đó là, HĐND không phải bầu chức danh Chủ tịch UBND tỉnh mà có thể giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn, sau đó Chủ tịch UBND tỉnh có thể giới thiệu các thành viên khác của UBND để cho HĐND phê chuẩn 1 lần đầu nhiệm kỳ. Sau đó những lần sau mà thay đổi thì Chủ tịch UBND chỉ cần báo cáo HĐND là được", đại biểu đề xuất.
Theo ông Huân quy định đó sẽ đảm bảo logic và quyền trao cho Thủ tướng rất linh hoạt. Đề thực hiện được thì phải sửa thêm điều 114 Hiến pháp.
Trần Thường
Thế Vinh