Đề xuất loạt cơ chế đặc thù đẩy mạnh nhà ở xã hội

Đề xuất loạt cơ chế đặc thù đẩy mạnh nhà ở xã hội
8 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: trang tin Quốc hội
Quốc hội hôm 20/5 đã thảo luận về dự thảo nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, trong bối cảnh nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp ngày càng tăng, còn nguồn lực từ ngân sách nhà nước vẫn eo hẹp.
Trình bày tờ trình nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhấn mạnh trong phiên trình bày trước Quốc hội rằng, phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong bối cảnh các thủ tục đầu tư, pháp lý còn chồng chéo và kéo dài, việc ban hành một nghị quyết mang tính đột phá được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án, gỡ bỏ các rào cản pháp lý và tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Một điểm nổi bật trong dự thảo là đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia với chức năng đầu tư và tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuê mua, thuê.
Quỹ sẽ hoạt động ngoài ngân sách, được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, từ vốn ngân sách đến đóng góp tự nguyện và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Ngoài ra, để cắt giảm thời gian triển khai, dự thảo đề xuất rút ngắn hàng loạt thủ tục như bỏ bước lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; miễn giấy phép xây dựng đối với thiết kế mẫu đã được công bố.
Đồng thời, Chính phủ đề xuất áp dụng chỉ định thầu rút gọn trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, vốn của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Thời gian thực hiện thủ tục giao chủ đầu tư dự kiến tối đa 75 ngày, giảm khoảng 200 ngày, tương đương 70% so với quy trình hiện hành.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, dự thảo nghị quyết không quy định các thủ tục hành chính mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: trang tin Quốc hội
Trình bày báo cáo thẩm tra, bên cạnh việc tán thành về sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và tư pháp Hoàng Thanh Tùng bày tỏ lo ngại về nguy cơ sơ hở, lạm dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí từ các chính sách mới, lớn và có tác động sâu rộng, nhiều giải pháp đột phá rất thông thoáng.
Cơ quan này đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách gây thất thoát và lãng phí nguồn lực, đồng thời kiến nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền đối với ba chính sách mới chưa từng được đề cập trong Kết luận của Bộ Chính trị.
Về việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, ông Tùng cho biết ủy ban tán thành, tuy nhiên, cần làm rõ tư cách pháp lý, mô hình tổ chức và điều kiện của quỹ nếu được giao vai trò chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội.
Việc cho phép Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất cũng là điểm gây tranh cãi.
Ủy ban Pháp luật và tư pháp cho rằng, chính sách này cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì ảnh hưởng lớn tới ngân sách nhà nước, trong khi chưa có đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng, chưa được báo cáo và có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.
Dự thảo Nghị quyết chưa xác định rõ thời điểm thực hiện việc hoàn trả nên có thể dẫn đến tùy nghi trong thực hiện, có nguy cơ gây ra sơ hở, thất thoát, tiêu cực.
Do đó, ông Tùng cho biết một số ý kiến cho rằng cần báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền; đồng thời, cần quy định chặt chẽ thời điểm hoàn trả, có thể phải đến khi chủ đầu tư hoàn thành dự án, tránh trường hợp chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ dẫn đến mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội không đạt được, làm thất thoát nguồn lực mà nhà nước đã hoàn trả.
Mục tiêu của nghị quyết là góp phần hiện thực hóa đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đến năm 2030. Dự thảo cũng khẳng định nguyên tắc không phân biệt giới tính hay dân tộc trong quyền tiếp cận chính sách nhà ở xã hội.
Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và hoàn thiện dự thảo nghị quyết trong những ngày tới, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ và khả thi khi triển khai trên thực tế.
Nhiều đại biểu kỳ vọng, nếu được ban hành và thực hiện hiệu quả, nghị quyết sẽ tạo cú hích quan trọng cho thị trường bất động sản, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn.
Nhật Hạ
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/de-xuat-loat-co-che-dac-thu-day-manh-nha-o-xa-hoi-d40256.html