Tại dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cơ quan này nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải đổi mới toàn diện chính sách tiền lương. Bộ Nội vụ đã tổng hợp kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Đề xuất lấy mức bình quân của khu vực tư nhân làm cơ sở trả lương công chức (Ảnh minh họa)
Báo cáo tổng hợp kinh nghiệm quốc tế cho thấy tại nhiều quốc gia, hệ thống lương công chức được thiết kế khoa học, dựa trên các nguyên tắc gắn với vị trí việc làm, hiệu quả công tác và điều kiện sống. Điều này không chỉ giúp công chức yên tâm cống hiến mà còn tạo động lực giữ chân nhân tài trong khu vực công.
"Điểm chung là tiền lương được tính toán dựa trên mức trung bình của xã hội và mức chi trả trong khu vực tư nhân, bảo đảm đời sống công chức, giảm nhu cầu làm thêm và góp phần ngăn ngừa tiêu cực"- Bộ Nội vụ nêu rõ.
Tại Nhật Bản, Hội đồng Nhân sự quốc gia chịu trách nhiệm nghiên cứu và xây dựng kế hoạch lương thưởng theo phân loại vị trí công việc. Hệ thống lương tại quốc gia này được thiết kế dựa trên nhiều yếu tố như thâm niên, mức độ phức tạp của công việc, hiệu quả công tác, phụ cấp lĩnh vực đặc biệt, số người phụ thuộc và điều kiện làm việc.
Ngoài ra, các khoản chi phí nhà nước hỗ trợ như trang thiết bị hoặc sinh hoạt thiết yếu cũng được tính đến. Nhật Bản chú trọng xây dựng khung, bảng lương phù hợp với từng loại công việc, đồng thời tham chiếu đến chi phí sinh hoạt và mức lương phổ biến trong khu vực tư nhân. Tùy theo tình hình kinh tế, mức lương có thể được điều chỉnh tăng hoặc giảm và phải được nghị viện thông qua.
Tại Trung Quốc, công vụ viên được hưởng lương đầy đủ, đúng hạn, kèm theo các khoản phụ cấp như phụ cấp vùng, khu vực khó khăn, phụ cấp chức vụ, trợ cấp nhà ở và y tế. Những cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ còn được nhận thưởng cuối năm, tạo động lực làm việc và khuyến khích hiệu quả công tác.
Trong khi đó, Thái Lan áp dụng cơ cấu lương công chức gồm lương cơ bản, phụ cấp, tiền thưởng hàng năm và lương hưu. Đáng chú ý, tiền thưởng chỉ được chi trả khi công chức hoàn thành nhiệm vụ, không bao gồm phụ cấp chức vụ. Việc tăng lương được xem xét dựa trên hiệu quả công tác, đạo đức và kỷ luật của từng cá nhân, đảm bảo tính công bằng và minh bạch.
Cũng theo Bộ Nội vụ, ở Mỹ, hệ thống lương công chức được thiết kế dựa trên hiệu suất công việc thay vì thâm niên. Nguyên tắc trả lương ngang nhau cho các vị trí có giá trị tương đương được áp dụng, với mức lương tham chiếu từ khu vực tư nhân tại địa phương và toàn quốc. Chính sách thu nhập công vụ của Mỹ chú trọng ghi nhận thành tích và khuyến khích những cá nhân xuất sắc, đây là yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.
Tại Pháp, công chức được hưởng lương, trợ cấp cư trú, phụ cấp gia đình, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác được quy định rõ ràng. Trong đó, mức phụ cấp gia đình thay đổi tùy theo số con do công chức trực tiếp chăm sóc, phản ánh sự quan tâm đến đời sống cá nhân của họ.
Ở New Zealand, lương công chức được xác định dựa trên cấp độ kinh nghiệm và trình độ học vấn, dao động từ 1.333 đến 4.191 NZD/tháng (tương đương khoảng 20 đến 63 triệu đồng). Ngoài lương, công chức còn được hưởng các phúc lợi như hỗ trợ nhà ở và chi phí đi lại, giúp đảm bảo điều kiện sống và làm việc.
Ở nhiều quốc gia, tiền lương được xây dựng dựa trên nguyên tắc gắn với vị trí công tác cụ thể và tham chiếu đến mức thu nhập trung bình của xã hội, đặc biệt là khu vực tư nhân. Điều này giúp đảm bảo đời sống công chức, giảm nhu cầu làm thêm ngoài giờ và góp phần ngăn ngừa tiêu cực.
Trên cơ sở những kinh nghiệm nêu trên, Bộ Nội vụ kiến nghị Việt Nam cần sớm thiết lập cơ chế trả lương công chức gắn với vị trí việc làm. Theo cơ quan soạn thảo, việc lấy thu nhập khu vực tư nhân làm cơ sở tham chiếu được xem là giải pháp để xây dựng chính sách lương thực chất, phù hợp với trình độ, năng lực và trách nhiệm công tác.
Theo Bộ Nội vụ, việc này không chỉ giúp công chức yên tâm cống hiến mà còn là một giải pháp căn cơ để phòng, chống tham nhũng, lãng phí và ngăn chặn tình trạng "chảy máu chất xám" trong khu vực công.
Minh Chiến