Theo báo cáo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ Nội vụ đã có những đề xuất mới về vấn đề đánh giá công chức.
Cụ thể, ngoại trừ Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, các quốc gia đánh giá công chức dựa trên hiệu suất làm việc, kết quả đánh giá là căn cứ để thưởng cũng như đưa ra những biện pháp cải tiến, nâng cao hiệu quả làm việc của công chức.
“Họ không nặng về đánh giá các tiêu chí khó lượng hóa như chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; nếu công chức vi phạm quy tắc đạo đức, ứng xử giao tiếp sẽ bị xử lý kỷ luật…”, Bộ Nội vụ nêu.
Bộ Nội vụ đề xuất hướng giải quyết hiện tượng nể nang khi đánh giá công chức. Ảnh minh họa
Do đó, phương pháp đánh giá công chức của các quốc gia khác so với Việt Nam khi người có thẩm quyền và công chức được đánh giá ngồi tại một phòng riêng, công chức trình bày kết quả làm việc và tự nhận mức độ hoàn thành công việc. Người có thẩm quyền sẽ đánh giá, đưa ra nhận xét và tìm hiểu lý do tại sao công chức không làm việc hiệu quả như sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hay thiếu hụt về đào tạo, chuyên môn. Từ đó sẽ đề ra biện pháp hỗ trợ công chức giải quyết vấn đề của họ.
Ở Việt Nam hiện nay, công tác đánh giá nhiều khi mang tính hình thức, nể nang, né tránh và không gắn với đãi ngộ lương, thưởng. Vì vậy, Bộ Nội vụ cho biết Việt Nam cần xem xét sửa đổi quy định đánh giá, xếp loại kết quả làm việc của cán bộ, công chức theo hướng xây dựng quy trình đánh giá khách quan, minh bạch, thực chất, đảm bảo lượng hóa kết quả thực hiện công việc.
Đồng thời, tăng quyền hạn cho người sử dụng công chức trong việc đánh giá, đánh giá 1-1 (trong buổi đánh giá chỉ có người sử dụng và công chức được đánh giá), tránh tình trạng cả cơ quan cùng tham gia đánh giá sẽ gây ra tình trạng nể nang, e ngại, hình thức và không thực chất. Kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức phải là căn cứ duy nhất để thực hiện công tác bổ nhiệm, tăng lương và thưởng cho cán bộ, công chức.
Lê An