Đề xuất mới về sử dụng chi thường xuyên NSNN để sửa chữa, nâng cấp tài sản

Đề xuất mới về sử dụng chi thường xuyên NSNN để sửa chữa, nâng cấp tài sản
13 giờ trướcBài gốc
Bộ Tài chính đề xuất quy định mới về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị...
Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm cụ thể hóa quy định tại Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Bộ Tài chính cho biết, theo nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Luật số 56/2024/QH15, chi NSNN được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên) để mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ cần thiết khác.
Hiện nay, nội dung, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định việc sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng (gồm các nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Luật số 56/2024/QH15).
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị quy định tại dự thảo Nghị định theo hướng kế thừa toàn bộ nội dung quy định còn phù hợp tại Nghị định số 138/2024/NĐ-CP. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung sau:
Bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị định
Dự thảo bổ sung quy định phạm vi điều chỉnh áp dụng đối với nhiệm vụ thuê hàng hóa, dịch vụ và nhiệm vụ cấp thiết khác tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị định để đảm bảo đầy đủ các nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Luật số 56/2024/QH15.
Cụ thể, bổ sung quy định tại điểm đ và e khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị định không áp dụng đối với các nội dung:
(i) Nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công nhằm đảm bảo tài sản công được duy trì theo đúng công năng và tiêu chuẩn kỹ thuật trang bị ban đầu; không làm thay đổi công năng, quy mô của tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Lý do: Để phân định với nhiệm vụ cải tạo, sửa chữa nâng cấp mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Luật số 56/2024/QH15.
(ii) Nhiệm vụ thuê tài sản (không phải là hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại dự thảo Nghị định) thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác có liên quan. Lý do: Theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật Đấu thầu, khái niệm về hàng hóa gồm: máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng; sản phẩm; phương tiện; hàng tiêu dùng; thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; phần mềm thương mại. Trên thực tế, các bộ, cơ quan và địa phương có nhu cầu thuê tài sản không nằm trong định nghĩa hàng hóa nêu trên (như thuê tài sản là trụ sở làm việc, …) để phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị. Hiện nay, nội dung về "thuê tài sản" đã được quy định tại Điều 4 và Điều 38 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định: Việc bố trí dự toán ngân sách nhà nước và tổ chức thực hiện thuê tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan.
Đẩy mạnh phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành
Tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 138/2024/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc phê duyệt chủ trương thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị của các bộ, cơ quan trung ương có tổng dự toán thực hiện từ 120 tỷ đồng/nhiệm vụ trở lên trên cơ sở Bộ Tài chính tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương.
Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về việc đẩy mạnh phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tài chính đề nghị sửa lại quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 138/2024/NĐ-CP theo hướng: Đối với các nhiệm vụ có tổng dự toán thực hiện từ 120 tỷ đồng/nhiệm vụ trở lên, các bộ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm đề xuất nhiệm vụ, lấy ý kiến của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan về sự cần thiết, mục tiêu, phạm vi, quy mô của nhiệm vụ, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này; gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính về khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; trên cơ sở đó tổng hợp, chịu trách nhiệm toàn diện xác định sự cần thiết, mục tiêu và dự toán kinh phí của nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt về chủ trương thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với các nhiệm vụ dở dang, đang triển khai thực hiện trước thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành để đảm bảo thống nhất về hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ trong năm 2025 theo hướng như sau (Nội dung đề xuất trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến tham gia của Bộ Công an và một số địa phương (Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Nam, Tuyên Quang, Thái Bình):
Đối với các nhiệm vụ .... theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về xây dựng hoặc các nhiệm vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường và lĩnh vực khác quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này đang thực hiện dở dang, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách tiếp tục thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền, chịu trách nhiệm rà soát, xác định và ban hành Quyết định phê duyệt dự toán kinh phí còn thiếu của nhiệm vụ gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục bố trí kinh phí thực hiện theo quy định. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý sử dụng nguồn kinh phí được giao đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/de-xuat-moi-ve-su-dung-chi-thuong-xuyen-nsnn-de-sua-chua-nang-cap-tai-san-102250121095703589.htm