Ngày 23-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về những thay đổi trong hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay chưa sát với thực tế đời sống người lao động, dù vẫn đúng theo quy định pháp luật.
Đề xuất nâng mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân
Cụ thể, ông cho rằng việc Bộ Tài chính dựa vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để đề xuất điều chỉnh ngưỡng chịu thuế là không còn phù hợp. Bởi CPI được tính từ bình quân giá của hơn 750 mặt hàng, chủ yếu phục vụ điều hành vĩ mô, trong khi người lao động chỉ chi tiêu cho một nhóm nhỏ các nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục… vốn tăng giá nhanh hơn nhiều.
"Giá cả leo thang trong khi ngưỡng thuế không thay đổi kịp khiến người lao động bị thiệt" - ông Xoa nhấn mạnh.
Người dân TP HCM mua sắm ở siêu thị. Ảnh: Hoàng Triều
Luật sư phân tích thêm dù CPI hiện tăng chậm nhờ kiểm soát lạm phát tốt nhưng chi phí sinh hoạt thực tế đã tăng mạnh trong nhiều năm qua. Do đó, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân từ 11 triệu đồng lên 13,3 triệu đồng/tháng là chưa đủ. Mức 15,5 triệu đồng có thể gần sát thực tế hơn nhưng lại thiếu cơ sở pháp lý. Theo ông, mức hợp lý nên là 18-20 triệu đồng/tháng và áp dụng ổn định từ giai đoạn 2026–2031.
Ông cũng không đồng tình với lo ngại "hụt thu ngân sách" nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh. "Thực tế cho thấy sau mỗi lần nâng mức giảm trừ, thu ngân sách không những không giảm mà còn tăng cao hơn" - ông dẫn chứng từ các đợt điều chỉnh năm 2009, 2013 và 2020.
Về biểu thuế lũy tiến từng phần, ông Xoa cho rằng cách tính hiện hành quá rối, dễ khiến người lao động "nhảy bậc" dù thu nhập chỉ nhích nhẹ. Việc dự thảo mới rút số bậc từ 7 xuống 5 là tín hiệu tích cực nhưng theo ông nên giảm còn 4 bậc và bỏ mức thuế suất 35% vì đây là mức quá cao, tạo áp lực cho người làm công ăn lương.
Mô hình biểu thuế được Luật sư Trần Xoa đề xuất
Bậc 1: Đến 20 triệu đồng/tháng – thuế suất 5%
Bậc 2: Trên 20–40 triệu đồng – thuế suất 10%
Bậc 3: Trên 40–80 triệu đồng – thuế suất 20%
Bậc 4: Trên 80 triệu đồng – thuế suất 30%
Biểu thuế này theo ông là "dễ nhớ, dễ tính và tạo tâm lý tích cực cho người nộp thuế". "Giảm thuế TNCN không chỉ hỗ trợ người lao động mà còn góp phần thúc đẩy chính sách khuyến sinh, bởi nếu có thu nhập dư ra, người dân sẽ yên tâm hơn trong việc chi tiêu, ổn định gia đình và sinh con" - luật sư Trần Xoa nhấn mạnh.
Thanh Nhân. Ảnh: Hoàng Triều