Thu hút đầu tư bến cảng, tăng ngân sách bảo trì đường thủy nội địa
Dự thảo Nghị quyết quy định UBND TP được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng mới có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình. Ảnh: Media Quốc hội.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Hải Phòng được phân loại là cảng biển đặc biệt.
Việc đề xuất thí điểm phân cấp cho UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có quy mô trên 2.300 tỷ đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động, linh hoạt, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các khu bến cảng theo quy hoạch được duyệt trong thời gian sớm nhất, sớm đưa các dự án vào vận hành khai thác.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định UBND TP tổ chức quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia; quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia qua địa bàn.
Trong đó, ngân sách TP được hưởng 100% nguồn thu phí, lệ phí tuyến đường thủy nội địa và quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn. Việc đầu tư, bảo trì tuyến đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn được sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hải Phòng có 17 tuyến đường thủy nội địa quốc gia (282km) và 10 tuyến địa phương (140,88km), phục vụ vận tải hàng hóa và hành khách. Các tuyến quốc gia do Cục Đường thủy nội địa VN (Bộ Xây dựng) quản lý, trong khi tuyến địa phương do Sở Xây dựng quản lý.
TP Hải Phòng là TP trực thuộc Trung ương (đô thị loại I), lớn thứ 3 ở Việt Nam (sau Thủ đô Hà Nội và TP.HCM) là địa phương có vị trí quan trọng trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; kết nối 2 hành lang kinh tế phía Bắc; là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc, đầu mối giao thông quan trọng của hệ thống giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng hàng không trong nước và quốc tế) và là cửa ngõ chính ra biển của Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc để kết nối với quốc tế.
Sau 3 năm sơ kết thực hiện Nghị quyết 35/2021/QH15 của Quốc hội cho thấy một số cơ chế, chính sách thực hiện đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên, chưa tạo ra sự phát triển đột phá của TP; một số cơ chế, chính sách chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm; còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực lan tỏa.
Do vậy, để tạo động lực cho thành phố Hải Phòng phát triển tương xứng với lợi thế, tiềm năng, cần có các cơ chế, chính sách đủ mạnh tạo đột phá cho thành phố phát triển vượt bậc, bứt phá xứng đáng là thành phố cảng, có nền công nghiệp hiện đại là trọng điểm về kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics quốc tế, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ của khu vực phía Bắc.
Sự chồng chéo quản lý giữa các đơn vị dẫn đến khó khăn trong phân luồng điều hành tàu thuyền, quản lý cảng bến và xử lý vi phạm, gây bất cập trong công tác kiểm soát và vận hành hệ thống giao thông đường thủy; khó khăn trong quá trình cải tạo, nâng cấp và bảo trì các tuyến đường thủy nội địa qua địa bàn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Việc đề xuất chính sách trên nhằm phân cấp quản lý tuyến đường thủy nội địa quốc gia, cảng, bến thủy nội địa cho TP để tạo sự thống nhất đầu mối quản lý, đồng thời giúp chủ động đầu tư nâng cấp, cải tạo và bảo trì hạ tầng đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa nhằm tăng năng lực vận tải thủy, thúc đẩy kinh tế.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết còn quy định TP được thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bao gồm trung tâm logistics phục vụ cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa với quy mô trên 50ha và dịch vụ logistics phục vụ cho cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa trên địa bàn TP với quy mô đến 50ha.
Điều này nhằm cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030 TP Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao tại Nghị quyết số 45 và định hướng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định TP được cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án trên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động, linh hoạt, rút ngắn thủ tục hành chính so với quy định thông thường.
Cho phép bán nhà chung cư thuộc tài sản công
Về quản lý quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường, dự thảo Nghị quyết quy định UBND TP được bán nhà ở chung cư thuộc tài sản công do TP xây dựng từ ngân sách Nhà nước hoặc theo hình thức hợp đồng BT hình thành từ sau năm 1994 đến trước ngày 1/1/2025.
Đối tượng được mua nhà là các hộ dân đã ký hợp đồng lần đầu thuê nhà chung cư đó trước ngày 1/1/2025 hoặc các hộ dân thuộc diện di dời các chung cư cũ, phải di dời do giải phóng mặt bằng.
Trình tự, thủ tục bán nhà ở chung cư thực hiện như trình tự, thủ tục bán nhà ở cũ thuộc tài sản công theo quy định của pháp luật về nhà ở.
UBND TP Hải Phòng quy định giá bán nhà ở chung cư cho các đối tượng nêu trên bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, không để thất thoát, lãng phí.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP Hải Phòng có khoảng hơn 4.000 căn hộ tại 12 chung cư được xây dựng theo chương trình cải tạo chung cư cũ theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Thực tế, nhiều hộ dân đang thuê nhà ở chung cư thuộc tài sản công hình thành sau năm 1994 đang có nhu cầu mua nhà ở để ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành về nhà ở không quy định cụ thể và chưa có cơ chế bán nhà ở cũ thuộc tài sản công hình thành sau năm 1994.
Theo tính toán, tổng số tiền thu được từ việc bán nhà dự kiến khoảng 4.500 tỷ đồng sẽ được tái bổ sung cho ngân sách thành phố để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.
Đồng thời, việc đề xuất chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân thuộc đối tượng phải di dời do giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trên địa bàn TP được mua nhà để ổn định cuộc sống, góp phần giải quyết an sinh xã hội.
Dự thảo Nghị quyết còn quy định TP Hải Phòng được thu hồi các thửa đất nằm xen kẹt trong khu dân cư để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ theo quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tuy nhiên cần phải đáp ứng một số tiêu chí.
Hiện nay, với tốc độ đô thị hóa nhanh và dân số lao động gia tăng đã tạo áp lực lớn lên nhu cầu nhà ở và hạ tầng đô thị. Theo tính toán, nhu cầu đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 ước tính khoảng 4.291ha và giai đoạn 2026-2030 là 4.970ha.
Trong khi đó, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều quỹ đất nông nghiệp, diện tích nhỏ, nằm xen kẹt trong các khu dân cư, phù hợp với quy hoạch làm đất ở nhưng không đảm bảo quy mô xây dựng khu đô thị, hiệu quả kinh tế thấp nên không hấp dẫn nhà đầu tư, gây lãng phí nguồn lực về đất đai.
Do vậy, việc đề xuất chính sách trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Hải Phòng chủ động, linh hoạt trong thu hồi, tạo quỹ đất sạch để đấu giá, tận dụng sử dụng nguồn lực đất đai, tăng thu ngân sách.
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thực trạng có hay không những vướng mắc trong triển khai thực hiện thu hồi đất để xây dựng các hạng mục, công trình để hình thành trung tâm logistics và dịch vụ logistics; trong xây dựng các hạng mục, công trình để hình thành khu thương mại tự do.
Trường hợp không có vướng mắc đề nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định tương tự như Nghị quyết số 136/2024/QH15 để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trường hợp có vướng mắc dẫn đến không thể triển khai được và cần phải quy định khác với quy định tại Nghị quyết 136, đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi Quốc hội thông qua nội dung này do đây là vấn đề lớn liên quan đến chính sách đất đai.
Mặt khác, trong tổ chức thực hiện việc thu hồi đất cần quy định rõ trách nhiệm, bảo đảm đúng mục tiêu thu hồi là để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; không tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, không lợi dụng chính sách để trục lợi.
Yến Chi