2 phương án điều hành giá xăng dầu
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đang chuẩn bị 2 phương án điều hành giá xăng dầu trong dự thảo nghị định thay thế các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu để trình Chính phủ.
Theo Bộ Công Thương, phương án đầu tiên là nhà nước sẽ công bố công thức tính giá xăng dầu, bao gồm giá bình quân thế giới trong 7 ngày, các chi phí và lợi nhuận định mức, thuế và yếu tố liên quan. Từ đó, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dựa vào các thông số này để tự tính toán và công bố giá bán ra thị trường.
Phương án còn lại được đề xuất bởi Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và một số doanh nghiệp, tập trung vào việc nhà nước chỉ công bố công thức tính giá, giá tham chiếu quốc tế và mức chênh lệch (premium) bình quân, mà không đề cập chi tiết chi phí kinh doanh hay lợi nhuận định mức. Với cơ sở này, doanh nghiệp sẽ tự quyết định giá bán buôn, bán lẻ và thời điểm điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương bày tỏ lo ngại phương án này có thể dẫn đến sự khác biệt lớn về giá giữa các khu vực do chi phí kinh doanh không đồng đều, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Điều đó có thể gây khó khăn cho người dân tại các khu vực này, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy thị trường hoặc tăng giá đột biến.
Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, tác động trực tiếp đến an ninh kinh tế và năng lượng. Vì vậy, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc chuyển sang điều hành giá theo cơ chế thị trường cần được xem xét kỹ lưỡng và thực hiện theo lộ trình phù hợp.
Doanh nghiệp muốn tự quyết giá xăng dầu (ảnh minh họa).
Giao quyền định giá cho doanh nghiệp không có nghĩa là Nhà nước "buông" hay "thả nổi"
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, khi trao đổi về Dự thảo Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Theo ông Thỏa, cần đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá theo quy định của Luật Giá theo hướng: Giá xăng dầu là mặt hàng không phải do Nhà nước định giá, mà là mặt hàng bình ổn giá; còn việc quy định giá là do doanh nghiệp tự quyết định giá.
Tức là, phải nhất quán bảo đảm quyền thực sự cho doanh nghiệp tự định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường, chứ không phải doanh nghiệp được quyền tự đánh giá không vượt mức chi phí, lợi nhuận (hoặc mức giá tối đa) do Nhà nước quy định như dự thảo nghị định.
Giao quyền định giá cho doanh nghiệp không có nghĩa là Nhà nước "buông" hay "thả nổi" để doanh nghiệp tự định giá thế nào cũng được. Nhà nước vẫn phải kiểm soát, điều tiết quyền đó của doanh nghiệp bằng những hình thức thích hợp. Ví như: Nhà nước quy định, hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc tính giá, căn cứ tính giá, phương pháp tính giá (gồm phương pháp tính các chi phí, lợi nhuận cho tất cả các khâu giá bán buôn, bán lẻ) để doanh nghiệp có chuẩn mực tính toán theo nguyên tắc thị trường; quy định rõ thẩm quyền quyết định giá, điều chỉnh giá.
Cùng với đó, thực hiện cơ chế hậu kiểm để xem xét, kiểm tra việc tính giá theo các hướng dẫn trên, nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường định giá bất hợp lý gây phương hại đến lợi ích của Nhà nước và người dân. Khi thị trường có biến động, doanh nghiệp phải tuân thủ và thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Nhà nước quy định.
Đối với Quỹ bình ổn giá, dự thảo nghị định cần quy định minh bạch về nguồn tạo theo hướng cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước cùng có trách nhiệm chung tay bình ổn giá cho nền kinh tế, gồm: nguồn trích từ giá xăng dầu, doanh nghiệp đóng góp một phần từ lợi nhuận, Nhà nước đóng góp một phần thông qua thuế...
Quy định cơ chế quản lý quỹ để tại kho bạc Nhà nước với điều kiện cơ chế chuyển vào rút ra phục vụ bình ổn giá nhanh, kịp thời... khác với quy trình, thủ tục chi tiêu từ nguồn ngân sách Nhà nước. Mọi hoạt động của quỹ (trích lập, sử dụng, tồn quỹ) phải được kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý quỹ, kho bạc và doanh nghiệp trên cơ sở một đầu mối chính, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của quỹ.
Tôi cho rằng, dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu cần được rà soát lại để thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là "dứt khoát phải bỏ tư duy quản không được thì cấm", đồng thời cải cách thể chế, tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh.
Sẽ trình phương án cho thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau
Theo Bộ Công Thương, qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, nhiều thương nhân phân phối (TNPP) cho rằng "bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau là hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, là phân biệt đối xử, tạo lợi thế kinh doanh cho các DN có vị thế độc quyền". Do đó, các thương nhân phân phối xăng dầu đề nghị tiếp tục quy định thương nhân phân phối được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại, để tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho các thương nhân phân phối khác và thương nhân bán lẻ trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ thương nhân đầu mối gặp sự cố đột ngột.
Bộ Công Thương cho rằng, trong thực tế, việc thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau không tạo ra nguồn cung mới cho thị trường do trách nhiệm bảo đảm nguồn cung thuộc về thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc thương nhân phân phối không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau.
Hơn nữa, theo ý kiến của cơ quan kiểm tra, thanh tra, qua quá trình kiểm tra, việc cho phép TNPP được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí trong khâu này dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, đồng thời khó kiểm soát nguồn cung.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến góp ý, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ 2 phương án, trong đó có phương án thương nhân phân phối được mua bán lẫn nhau vừa để phù hợp với kiến nghị của các thương nhân phân phối xăng dầu vừa tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối xăng dầu.
Nhưng Bộ này vẫn cho rằng, phương án này sẽ không xác định chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế trên thị trường khi các thương nhân mua bán qua lại lẫn nhau tạo số liệu "ảo". Đồng thời có nguy cơ dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ chỉ ở mức thấp khiến cho các DN bán lẻ hạn chế bán hàng ra thị trường do bị lỗ.
T.M (tổng hợp)