Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú cho biết, theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật, hiện nay có 3 nhóm chính về rà soát, bao gồm: rà soát chung do Bộ Tư pháp chủ trì để xem xét tổng thể khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật để có hướng xử lý; rà soát quy định pháp luật về lĩnh vực đầu tư tài chính và nhóm liên quan đến pháp luật về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
3 nhóm khó khăn vướng mắc do quy định của pháp luật gồm bất cập, mâu thuẫn, đó là các quy định pháp luật bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau dẫn đến không làm được, thực hiện theo văn bản này thì vướng văn bản kia; nhóm không khả thi trên thực tế, không áp dụng được; chi phí tuân thủ cao, chưa điều chỉnh được các vấn đề mới nhằm khơi thông nguồn lực.
Theo quy định tại Nghị quyết 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật, xác định khó khăn, vướng mắc rồi thì phải đề xuất phương án xử lý. Phương án 1 là hướng dẫn áp dụng pháp luật hoặc giải thích áp dụng pháp luật. Nếu giải thích, hướng dẫn pháp luật được thì không cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới để sửa đổi, bổ sung thay thế. Phương án thứ 2 là theo quy định thông thường, nếu vướng mắc chỗ nào thì chỗ đó phải giải quyết nhưng phải giải quyết nhanh theo trình tự rút gọn. Phương án 3 là dùng cơ chế, nghị quyết đặc thù của Quốc hội để sửa luật nhưng phải lập luận được phương pháp nào tối ưu.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đề nghị các đại biểu trao đổi, góp ý cách làm và cách triển khai sao có hiệu quả, chất lượng, chọn lọc được những vấn đề đích đáng để giải quyết; đồng thời cung cấp thêm kinh nghiệm của mình theo mẫu phiếu cụ thể, có kênh đối thoại trực tiếp trao đổi,…
Để triển khai nhiệm vụ “Chỉ đạo, cho ý kiến về kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật” và hoàn thành “Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật”…, trong thời gian qua, Đảng ủy Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Kế hoạch của Đảng ủy Chính phủ để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Theo Dự thảo, Kế hoạch nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật; xác định nội dung các công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ rà soát, cho ý kiến về kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật.
Việc tổ chức, thực hiện Kế hoạch bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định về nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo tại Quy định số 297-QĐ/TW ngày 4/6/2025 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật; bám sát yêu cầu và nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương giao tại Kế hoạch số 04-KH/BCĐTW; bảo đảm phân công đúng trách nhiệm, phạm vi quản lý, phụ trách của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức.
Bảo đảm việc chỉ đạo hiệu quả, xác định đúng, xử lý kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật. Phát huy vai trò chủ động, tích cực, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; tham vấn rộng rãi và thực chất đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật, nhất là về các giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, các hiệp hội, tập đoàn… đã góp một số ý kiến, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Hồng Mây