Đề xuất quảng cáo mỹ phẩm không được dùng các từ 'điều trị, khỏi hẳn, tuyệt vời'

Đề xuất quảng cáo mỹ phẩm không được dùng các từ 'điều trị, khỏi hẳn, tuyệt vời'
5 giờ trướcBài gốc
Bộ Y tế đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm (thay thế Nghị định 93/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm).
Tại dự thảo, Bộ đề xuất nhiều quy định mới về quảng cáo mỹ phẩm.
Quảng cáo sản phẩm không được gây hiểu lầm là thuốc
Dự thảo quy định cơ sở kinh doanh mỹ phẩm chịu trách nhiệm về nội dung do cơ sở quảng cáo đối với sản phẩm và không phải xác nhận nội dung quảng cáo với cơ quan quản lý.
Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với bản chất vốn có của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.
Cơ sở không được quảng cáo sản phẩm gây hiểu lầm đó là thuốc; không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế.
Bộ Y tế đề xuất nhiều quy định mới về quảng cáo mỹ phẩm. Ảnh minh họa: Gemini AI
Dự thảo nêu rõ các thông tin, hình ảnh không được sử dụng trong nội dung quảng cáo mỹ phẩm, gồm: thông tin, hình ảnh bị cấm trong hoạt động quảng cáo theo quy định tại Luật quảng cáo; các câu, từ, hình ảnh mang tính suy diễn quá mức dẫn đến hiểu lầm là thuốc, quảng cáo quá tính năng, công dụng của sản phẩm.
Dự thảo cũng quy định quảng cáo mỹ phẩm không được sử dụng hình ảnh động vật, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Quảng cáo không được sử dụng các từ, cụm từ: Điều trị, tiệt trừ, chuyên trị, hàng đầu, đầu bảng, đầu tay, lựa chọn, chất lượng cao/tuyệt hảo/tuyệt vời/cực kỳ, bảo đảm/đảm bảo 100%, an toàn, dứt, cắt đứt, chặn đứng, giảm ngay, giảm liền, giảm tức thì, khỏi ngay, khỏi hẳn, chữa bệnh, tốt nhất, duy nhất, nhất, trị nám vĩnh viễn trong 7 ngày, trị mụn, trắng da thần tốc, kem trị nám, mỹ phẩm tự nhiên 100%, trắng da cấp tốc/siêu tốc, khỏi, khỏi hẳn, chữa viêm da, giảm dị ứng, diệt nấm, diệt virus, sản phẩm kích thích mọc tóc/mọc lông mi, sản phẩm loại bỏ/giảm mỡ/giảm béo/giảm kích thước cơ thể, sản phẩm giảm cân, ngăn ngừa/dừng sự phát triển của lông, sản phẩm dừng quá trình ra mồ hôi, mực xăm vĩnh viễn, sản phẩm xóa sẹo, giảm sẹo lồi, sản phẩm làm sạch vết thương.
Nội dung quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm phải có các thông tin bắt buộc, gồm: tên sản phẩm; tính năng, công dụng của sản phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.
Quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ nội dung tên sản phẩm; tính năng, công dụng của sản phẩm; cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.
Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn mỹ phẩm lưu thông tại thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt, kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.
Quy định hiện hành còn bất cập
Theo Bộ Y tế, sau 8 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị định 93/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm đã bộc lộ một số bất cập.
Theo đó, quy định về tính năng, công dụng, mục đích sử dụng của mỹ phẩm chưa cụ thể, chi tiết dẫn đến việc công bố nội dung này của các doanh nghiệp chưa thống nhất, đồng thời gây khó khăn cho cơ quan quản lý tiếp nhận, giải quyết việc công bố của doanh nghiệp và phân loại, xác định sản phẩm có phải mỹ phẩm hay không.
Hiệu lực của số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm là 5 năm, dài hơn nhiều so với vòng đời của đa số các dạng sản phẩm mỹ phẩm (có sản phẩm chỉ có hạn sử dụng 2-3 năm). Đặc biệt, mỹ phẩm luôn thay đổi theo xu thế thời trang.
Tại các nước ASEAN, hiệu lực số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm thường chỉ từ 1-3 năm, phí công bố mỹ phẩm tại nhiều nước trong khối ASEAN thường cao hơn Việt Nam khoảng 2-8 lần.
Thời gian thực hiện một thủ tục công bố mỹ phẩm quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BYT ngắn (3 ngày đối với hồ sơ đạt và 5 ngày đối với hồ sơ bổ sung) là áp lực rất lớn đối với cơ quan quản lý khi phải rà soát nhiều nội dung tại hồ sơ công bố mỹ phẩm.
Trong khi đó, số lượng hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu rất lớn (khoảng 25.000 - 33.000 hồ sơ/năm).
Cùng với đó, hệ thống phần mềm công bố sản phẩm mỹ phẩm được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) triển khai và kết nối cơ chế Hải quan một cửa từ ngày 1-1-2017 mới chỉ giải quyết hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu.
Đầu tháng 5-2025, Bộ Y tế có quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi 9 loại mỹ phẩm có công thức, nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố. Ảnh minh họa
Cũng theo Bộ Y tế, việc công bố mỹ phẩm sản xuất trong nước tại sở y tế thì có địa phương giải quyết bản giấy và có địa phương giải quyết hồ sơ trực tuyến, chưa kết nối với hệ thống trung ương thành hệ thống thống nhất và chưa được pháp lý hóa hệ thống trực tuyến về công tác quản lý mỹ phẩm. Do đó, việc truy xuất nguồn gốc mỹ phẩm khi tiến hành hậu kiểm mất nhiều thời gian.
Nhiều đơn vị kinh doanh không thuộc thẩm quyền quản lý của ngành y tế, do vậy rất khó khăn kiểm tra hậu mại. Trong khi đó, các đơn vị này vi phạm pháp luật kinh doanh mỹ phẩm phổ biến.
Bên cạnh đó, điều kiện sản xuất mỹ phẩm cũng chưa được quy định cụ thể (tiêu chí, quy trình đánh giá bao gồm điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, hệ thống quản lý chất lượng… chưa rõ ràng).
Chưa có quy định định kỳ tái kiểm tra cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm thay vì cấp vĩnh viễn như hiện nay; cũng chưa quy định rõ việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm trong trường hợp cơ sở sắp xếp, thiết kế lại nhà xưởng.
THANH THANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/de-xuat-quang-cao-my-pham-khong-duoc-dung-cac-tu-dieu-tri-khoi-han-tuyet-voi-post851141.html