Đề xuất quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng

Đề xuất quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng
12 giờ trướcBài gốc
Bộ Nội vụ đã có tờ trình, hồ sơ dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Theo Bộ Nội vụ, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Tổ chức Chính phủ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Hiến pháp 2013 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ chủ yếu tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ. Tuy nhiên, qua rà soát, có 152 luật đang quy định nhiệm vụ và thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Thủ tướng được giao quyết định rất nhiều quyền hạn cụ thể.
Thủ tướng chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ. Ảnh Nhật Bắc
Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã đưa nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ theo các nhóm: Nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các nội dung trình Chủ tịch nước; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành...
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ cho rằng, cần rà soát các luật chuyên ngành để chuyển các thẩm quyền quyết định cụ thể của Thủ tướng đối với các nội dung quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực sang cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc chính quyền địa phương.
“Trong trường hợp chưa sửa đổi được các luật chuyên ngành, Thủ tướng sẽ quyết định phân cấp theo thẩm quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc chính quyền địa phương theo yêu cầu đẩy mạnh phân cấp trong tình hình mới”, Bộ Nội vụ nêu.
Lần sửa đổi này cũng bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách thành viên Chính phủ có trách nhiệm giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; thay mặt Chính phủ hoặc ủy quyền cho thành viên Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ.
Giao quyền bộ trưởng theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ
Dự thảo nêu rõ, Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng như kết quả quản lý, điều hành bộ máy hành chính nhà nước và các chủ trương, chính sách đề xuất.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có trách nhiệm báo cáo công tác của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Với Thủ tướng Chính phủ, dự thảo quy định 7 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Trong đó, Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ (trong thời gian Quốc hội không họp thì Thủ tướng trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác); trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
Thủ tướng cũng có thẩm quyền trình Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng có nhiệm vụ lãnh đạo công tác của Chính phủ, việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Dự thảo cũng quy định, trong thời gian Quốc hội không họp, Thủ tướng sẽ quyết định giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tương tự ở địa phương, trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND cấp tỉnh, quyết định giao quyền chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Thủ tướng có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và cho từ chức thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ;
Cùng với đó, Thủ tướng cũng có thẩm quyền, yêu cầu chủ tịch UBND cấp tỉnh đình chỉ công tác, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp dưới khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hoặc vi phạm pháp luật.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/de-xuat-quy-dinh-moi-ve-nhiem-vu-quyen-han-cua-chinh-phu-thu-tuong-post1709365.tpo