Đề xuất quy định mới về thuế thu nhập doanh nghiệp

Đề xuất quy định mới về thuế thu nhập doanh nghiệp
7 giờ trướcBài gốc
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp về: người nộp thuế; thu nhập chịu thuế; thu nhập miễn thuế; căn cứ và phương pháp tính thuế; ưu đãi thuế và điều kiện áp dụng ưu đãi thuế.
Theo Bộ Tài chính, Điều 2 Luật Thuế TNDN giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Để thống nhất với pháp luật quản lý thuế, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán và trên cơ sở kế thừa các quy định đang thực hiện ổn định, Bộ Tài chính đề xuất quy định chi tiết về người nộp thuế tại Điều 2 dự thảo Nghị định như sau:
Người nộp thuế
Người nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Thương mại và quy định tại các văn bản pháp luật khác dưới các hình thức như: Công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty hợp danh; công ty quản lý quỹ; doanh nghiệp tư nhân; các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; các bên trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, xí nghiệp liên doanh dầu khí, công ty điều hành chung.
b) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam.
c) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam
Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó.
Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú.
Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số, nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm:
- Chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, mỏ dầu, mỏ khí, mỏ hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam.
- Địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp.
- Cơ sở cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn thông qua người làm công hoặc tổ chức, cá nhân khác.
- Đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài.
- Đại diện tại Việt Nam trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài hoặc đại diện không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.
- Nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số mà thông qua đó doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.
d) Tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
đ) Các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.
e) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;
g) Tổ chức khác ngoài tổ chức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất, tổ chức được thành lập và hoạt động (hoặc đăng ký hoạt động) theo quy định của pháp luật Việt Nam (bao gồm cả tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại, tổ chức quản lý nền tảng số) là người nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại nguồn trong trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ (kể cả mua dịch vụ gắn với hàng hóa, mua hàng hóa được cung cấp, phân phối theo hình thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số hoặc theo các điều khoản thương mại quốc tế) trên cơ sở hợp đồng ký kết với doanh nghiệp nước ngoài quy định tại các điểm c, d khoản 2 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Bộ Tài chính quy định cụ thể nghĩa vụ thuế quy định tại khoản này.
Thuế suất
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 5 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 Nghị định này.
Thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng.
Thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 03 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng.
Tổng doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 15%, 17% quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này là tổng doanh thu từ hoạt động bán hàng, cung cấp dịch và doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác trên Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh kèm theo tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế năm trước liền kề.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết tại khoản 2, 3 và 4 Điều 10 về đối tượng được hưởng ưu đãi, mức thuế suất áp dụng và phương pháp xác định tổng doanh thu.
Tổng doanh thu làm căn cứ áp dụng thuế suất ưu đãi bao gồm: Doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ và doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.
Các khoản thu này được lấy từ Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh kèm theo tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế liền kề trước đó.
Đối với doanh nghiệp mới thành lập, Dự thảo Nghị định đưa ra hai phương án xử lý cụ thể: Thứ nhất, nếu doanh nghiệp có thời gian hoạt động trong kỳ tính thuế liền kề trước đó dưới 12 tháng, tổng doanh thu sẽ được xác định bằng công thức Tổng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế ÷ số tháng hoạt động thực tế × 12 tháng.
Cách tính này kế thừa quy định hiện hành nhằm phản ánh sát thực quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với các trường hợp doanh nghiệp mới thành lập hoặc có thay đổi về loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia tách trong bất kỳ tháng nào của kỳ tính thuế trước đó, thời gian hoạt động sẽ được làm tròn đủ tháng để tính doanh thu.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp thành lập trong kỳ tính thuế và có dự kiến tổng doanh thu không vượt quá 3 tỷ đồng hoặc 50 tỷ đồng, có thể tạm tính thuế theo mức ưu đãi tương ứng là 15% hoặc 17% trong từng quý.
Cuối kỳ tính thuế, nếu tổng doanh thu thực tế phù hợp với mức dự kiến, doanh nghiệp sẽ thực hiện quyết toán thuế theo đúng mức thuế suất đã tạm nộp.
Tuy nhiên, trong trường hợp tổng doanh thu thực tế vượt ngưỡng quy định để được hưởng mức thuế ưu đãi, dẫn đến việc nộp thiếu thuế so với nghĩa vụ thực tế, doanh nghiệp sẽ phải nộp bổ sung phần chênh lệch cùng với khoản tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Thanh An
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/de-xuat-quy-dinh-moi-ve-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-142732.htm