Chính phủ đề xuất hàng loạt ưu đãi phát triển nhà ở xã hội
Ngày 20/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Theo Bộ trưởng Xây dựng, Đảng và Nhà nước luôn coi việc chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Dù nguồn lực còn hạn chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội đã đạt kết quả tích cực, góp phần đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân và các đối tượng chính sách.
Dự án Hope Residences tại Long Biên. Ảnh: Lệ Chi.
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Chính sách này vừa giúp người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, vừa cân đối cung – cầu, điều chỉnh cơ cấu bất động sản, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng như đã nêu trên, tuy nhiên việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việt Nam chưa có Quỹ nhà ở quốc gia hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội đảm bảo dài hạn, bền vững.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho hay, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang còn phức tạp, kéo dài. Các dự án phải thực hiện đầy đủ thủ tục như dự án nhà ở thương mại, trong khi thủ tục thẩm định giá bán, thuê mua cũng mất nhiều thời gian.
Doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập không được thuê nhà ở xã hội cho cán bộ, nhân viên. Ngoài ra, chưa có quy định để đa dạng hóa nguồn lực cho địa phương trong công tác bồi thường, tái định cư, đầu tư hạ tầng và tạo quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội...
Do đó, trong Dự thảo, Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển nhà ở xã hội, trong đó đáng chú ý là việc thành lập “Quỹ Nhà ở quốc gia”.
Quỹ này sẽ tạo nguồn vốn dài hạn, bền vững để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê. Nguồn vốn hình thành từ ngân sách Nhà nước, đóng góp tự nguyện trong và ngoài nước, nguồn thu từ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, bán nhà thuộc tài sản công và các nguồn hợp pháp khác.
Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Quochoi.vn.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang và hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn hộ, Chính phủ đề xuất thí điểm cơ chế rút gọn, như: giao chủ đầu tư đồng thời với chấp thuận chủ trương đầu tư; bỏ bước lập, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; miễn giấy phép xây dựng nếu áp dụng thiết kế mẫu; chỉ định thầu rút gọn cho các dự án sử dụng vốn Nhà nước, công đoàn...
Dự thảo Nghị quyết gồm 14 điều, quy định về Quỹ nhà ở quốc gia, thủ tục đầu tư, định giá nhà ở xã hội, thuê nhà, quỹ đất, hạ tầng kỹ thuật... Chính quyền địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được phân quyền toàn diện nhưng không được ủy quyền lại đối với việc giao chủ đầu tư. Dự thảo không phát sinh thủ tục hành chính mới, đảm bảo bình đẳng giới, không phân biệt dân tộc trong tiếp cận nhà ở xã hội.
Xây dựng cơ chế phòng ngừa tiêu cực, tránh trục lợi chính sách
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, dự thảo bổ sung 3 chính sách mới so với Kết luận của Bộ Chính trị, do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về nội dung này.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đánh giá các chính sách trong dự thảo Nghị quyết dù cần thiết và có nhiều giải pháp đột phá, nhưng tiềm ẩn nguy cơ sơ hở, lạm dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Do đó, đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng cơ chế phòng ngừa tiêu cực, tránh trục lợi chính sách, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực và chất lượng xây dựng nhà ở xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết, nhất là việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển nhà ở xã hội (NOXH) và tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp tham gia; đồng thời, có cơ chế, chính sách ưu đãi về NOXH để góp phần nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đồng ý với việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nhưng đề nghị làm rõ vị trí pháp lý, mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Quỹ, đặc biệt chức năng “đầu tư xây dựng” để tránh hiểu nhầm Quỹ trực tiếp làm chủ đầu tư.
Về Điều 5 liên quan giao chủ đầu tư không qua đấu thầu, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị rà soát để chính sách phù hợp với nguồn vốn đầu tư, đồng thời làm rõ đối tượng áp dụng, điều kiện giao chủ đầu tư và tiêu chí lựa chọn để bảo đảm minh bạch, công bằng.
Về hoàn trả tiền cho chủ đầu tư có quyền sử dụng đất, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh cần thận trọng vì ảnh hưởng lớn đến nguồn lực Nhà nước, yêu cầu đánh giá tác động kỹ lưỡng, quy định rõ thời điểm hoàn trả để tránh thất thoát, tiêu cực; đề nghị báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi áp dụng.
Quỳnh An