Đề xuất sửa đổi 3 chính sách quan trọng trong Luật Ngân sách nhà nước

Đề xuất sửa đổi 3 chính sách quan trọng trong Luật Ngân sách nhà nước
3 giờ trướcBài gốc
Theo Bộ Tài chính, việc cho phép NSĐP được đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của Trung ương trên địa bàn và hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng sẽ góp phần huy động nguồn lực từ ngân sách của các địa phương có năng lực về tài chính vào các dự án liên vùng để sớm hoàn thành. Ảnh minh họa
Ba chính sách đó gồm: bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương (NSĐP) để hỗ trợ ngân sách Trung ương (NSTƯ), hỗ trợ địa phương khác và chi viện trợ cho các địa phương nước ngoài; quy định rõ nội dung chi NSNN thực hiện một số nhiệm vụ từ nguồn chi đầu tư và chi thường xuyên; quy định rõ nội dung chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác.
Huy động nguồn lực địa phương vào các dự án liên vùng
Cùng với việc khẳng định những kết quả tích cực trong quá trình thực hiện Luật NSNN, Bộ Tài chính cũng cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật NSNN, những tác động khách quan làm thay đổi cơ cấu thu, NSTƯ vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng có xu hướng giảm, trong khi yêu cầu đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa tính chủ động của NSĐP. Việc chấp hành, quyết toán NSNN cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Đối với nhóm chính sách cho phép các địa phương sử dụng NSĐP để hỗ trợ NSTƯ, hỗ trợ địa phương khác và chi viện trợ cho các địa phương nước ngoài, Bộ Tài chính đề xuất quy định cho phép NSĐP được đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của Trung ương trên địa bàn và hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng.
Theo Bộ Tài chính, hiện nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất liên vùng, liên tỉnh là rất lớn, trong khi đó, một số địa phương khác trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên chưa thể đảm bảo kinh phí bố trí đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn và một số dự án sử dụng NSTƯ chưa thể cân đối bố trí hoặc bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án có tính động lực, kết nối liên vùng. Trong khi các địa phương có điều kiện hơn lại không được phép hỗ trợ các nhiệm vụ chi của NSTƯ trên địa bàn và trên địa bàn các địa phương khó khăn hơn.
Do đó, việc quy định cho phép NSĐP được đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của Trung ương trên địa bàn và hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng sẽ nhằm góp phần huy động nguồn lực từ ngân sách của các địa phương có năng lực về tài chính vào các dự án liên vùng để sớm hoàn thành, đồng thời, giúp cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp các địa phương trong vùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Điều chỉnh nội dung chi đầu tư nhằm khắc phục tình trạng “vốn chờ dự án”
Đối với nội dung chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác, Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ sử dụng chi đầu tư phát triển của NSTƯ để thực hiện nhiệm vụ đầu tư và hỗ trợ vốn của Nhà nước (gồm hỗ trợ lãi suất) cho các tổ chức kinh tế. Bổ sung quy định sử dụng chi đầu tư phát triển của NSĐP để thực hiện nhiệm vụ cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý và ủy thác cho vay qua ngân hàng chính sách; hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác.
Dự thảo Luật cũng đề xuất bổ sung quy định đối với việc việc quyết định đầu tư và chi đầu tư chương trình, dự án có sử dụng vốn NSNN, ngoài việc phải phù hợp với Luật Đầu tư công, các nhiệm vụ, dự án bố trí ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện theo pháp luật về NSNN cũng như các quy định của pháp luật có liên quan và sẽ được tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền vào cuối kỳ trung hạn. Đồng thời bổ sung quy định để có căn cứ sử dụng nguồn đầu tư phát triển khác thực hiện các dự án đầu tư ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn, phân biệt rõ chi đầu tư công theo Luật Đầu tư công và chi đầu tư phát triển khác.
Theo Bộ Tài chính, nhu cầu đầu tư các dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (đầu kỳ trung hạn chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, hoặc bố trí chưa đủ vốn) phát sinh hằng năm rất lớn, đặc biệt là các dự án phòng chống thiến tai thích ứng với biến đổi khí hậu, an ninh, quốc phòng... Trong khi đó, theo quy định của Luật Đầu tư công, dự án đầu tư công sử dụng vốn đầu tư công và phải thuộc kế hoạch trung hạn được cấp thẩm quyền giao, kế hoạch đầu tư công được lập theo giai đoạn trung hạn 5 năm.
Vì vậy trường hợp phát sinh dự án mới, Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương phải thực hiện quy trình báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư qua nhiều cấp, nhiều khâu thẩm định và mất nhiều thời gian từ (1-2 năm) không triển khai ngay được mà phải chờ bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn và triển khai các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án mới giao được kế hoạch năm để thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu mới và giải ngân được. Như vậy, tình trạng “vốn chờ dự án” là rất phổ biến và chưa có biện pháp khắc phục. Do đó, tại Dự thảo sửa Luật NSNN, Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ về nội dung này để tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư công./.
MINH ANH
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/de-xuat-sua-doi-3-chinh-sach-quan-trong-trong-luat-ngan-sach-nha-nuoc-34857.html