Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung Luật Tổ chức Quốc hội

Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung Luật Tổ chức Quốc hội
5 giờ trướcBài gốc
Đề cập về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, trên cơ sở mục đích, quan điểm chỉ đạo và kết quả rà soát Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội tập trung vào các nội dung gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Sửa đổi, bổ sung các quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Điều chỉnh một số nội dung có liên quan đến việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác; đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động từ năm 2016 đến nay có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo trước Quốc hội. (Ảnh: Quang Vinh)
Theo ông Tùng, dự thảo Luật tập trung vào 35/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Các nội dung sửa đổi, bổ sung được bố cục trong 2 điều, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 18 điều và bãi bỏ 17 điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật như sau:
Về việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội để làm rõ phạm vi những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội và quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định trong luật. Việc phân định thẩm quyền giữa Quốc hội với các cơ quan nhà nước khác trong từng lĩnh vực cụ thể sẽ được tiếp tục làm rõ, cụ thể hóa trong các luật, nghị quyết điều chỉnh về từng lĩnh vực chuyên ngành.
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan của Quốc hội (Chương IV của Luật Tổ chức Quốc hội) theo hướng tiếp tục khẳng định Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội; số lượng, tên gọi các Ủy ban do Quốc hội quyết định; quy định các chức năng cơ bản của các cơ quan của Quốc hội tập trung vào 3 nội dung thẩm tra-giám sát-kiến nghị; quy định khái quát về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc làm việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội (các điều 12, 13, 30, 39, 48 của Luật Tổ chức Quốc hội) như: việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; việc đại biểu Quốc hội tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội; và thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, về kinh phí hoạt động của Quốc hội.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, bổ sung và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội như được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu tham dự kỳ họp (Ảnh: Quang Vinh)
Về việc phân định thẩm quyền của Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước (Điều 5), Ủy ban Pháp luật tán thành với việc sửa đổi quy định về làm luật, sửa đổi luật tại Điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội và thấy rằng, quy định như trong dự thảo Luật đã cơ bản phân định được thẩm quyền của Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu và ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không nên quy định nội dung này trong Luật Tổ chức Quốc hội vì đây là vấn đề phân định thẩm quyền lập pháp và lập quy giữa Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác, nên cần được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Quang Vinh)
Về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (các điều 66, 67 và 68a), Ủy ban Pháp luật tán thành việc dự thảo Luật chỉ quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; còn việc thành lập từng Ủy ban cụ thể thì do Quốc hội quyết định căn cứ vào chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước trong từng thời kỳ nhằm bảo đảm tính ổn định, lâu dài của Luật.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục kế thừa cách quy định của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành theo hướng Luật xác định rõ số lượng, tên gọi của các Ủy ban của Quốc hội và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và ban hành Quy chế làm việc mẫu của các cơ quan của Quốc hội. Theo phương án này thì Quốc hội không phải ban hành Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội.
Việt Thắng
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/de-xuat-sua-doi-bo-sung-mot-so-noi-dung-luat-to-chuc-quoc-hoi-10299750.html