Đề xuất sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân: Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Đề xuất sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân: Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
3 giờ trướcBài gốc
Tại Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được ban hành từ năm 2007 và có nhiều đóng góp quan trọng vào việc quản lý thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực tiễn, luật bộc lộ một số hạn chế nhất định, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Do đó, Bộ đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).
Bộ Tài chính cho biết, đã có 3 lần sửa đổi kể từ khi Luật Thuế Thu nhập cá nhân bắt đầu được áp dụng, từ năm 2009 đến nay, từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng với bản thân người nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có một người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có hai người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ... thì cũng chưa phải nộp thuế Thu nhập cá nhân.
Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người.
Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay bằng hơn 2,21 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, cũng cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng, tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn thấp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không thấp khi so sánh với mặt bằng chung về mức sống, thu nhập của người dân hiện nay, có nhiều người lao động hiện đang có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn, cũng có ý kiến cho rằng phải có chính sách thuế điều tiết cao hơn đối với cá nhân ở các đô thị, thành phố lớn để hạn chế nhập cư, di dân vào các đô thị lớn...
Bộ Tài chính cho rằng, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế. Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế Thu nhập cá nhân.
Mặt khác, Bộ Tài chính khẳng định, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành của Việt Nam đã được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lưu ý, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, bởi nếu mức giảm trừ "quá cao" sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế Thu nhập cá nhân trong việc thực hiện các chức năng của sắc thuế này là đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập, vô hình sẽ đưa chính sách thuế Thu nhập cá nhân trở lại "chính sách thuế đối với người có thu nhập cao" như giai đoạn trước đây.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Cắt giảm số bậc trong biểu thuế Thu nhập cá nhân
Một nội dung đáng chú ý nữa được Bộ Tài chính đề xuất thay đổi là cắt giảm số bậc trong biểu thuế Thu nhập cá nhân. Khoản 2 Điều 22 Luật thuế Thu nhập cá nhân quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.
"Qua quá trình thực tế thực hiện, có quan điểm cho rằng biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều," Bộ Tài chính thông tin.
Xu hướng chung được một số quốc gia thực hiện gần đây là thực hiện đơn giản hóa của Biểu thuế thông qua việc giảm số bậc trong biểu thuế. Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của Biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp.
Cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.
KIỀU CHINH
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/de-xuat-sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-dieu-chinh-muc-giam-tru-gia-canh-35971.html