Đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho nhiều đối tượng

Đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho nhiều đối tượng
một ngày trướcBài gốc
Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Trong đó, dự thảo Nghị định đề xuất các chính sách quy định về đối tượng, mức đóng, mức hỗ trợ đóng và trách nhiệm đóng BHYT.
Theo Bộ Y tế, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHYT, người dân phải tự chi trả các chi phí và đối mặt với khó khăn rất lớn về tài chính, đặc biệt khi mắc bệnh hiểm nghèo. Ảnh minh họa: TT
Dự kiến ngân sách tăng chi hàng nghìn tỉ đồng
Về mức đóng BHYT, Bộ Y tế cho biết do hiện nay quỹ BHYT vẫn đang kết dư, do đó mức đóng BHYT tiếp tục được quy định bằng 4,5% mức tiền lương tháng, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tiền lương hưu, mức lương cơ sở như quy định của Nghị định 146/2018.
Về mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước, dự thảo Nghị định quy định hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng đối với đối tượng là nạn nhân mua, bán người. Thời gian hỗ trợ là 1 năm kể từ khi họ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.
Theo báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người năm 2024, ước tính mỗi năm có khoảng 500 nạn nhân trong cả nước.
Với mức hỗ trợ mua thẻ BHYT là 70%, mức đóng 4,5% mức lương cơ sở (hiện là 2,34 triệu đồng), dự kiến ngân sách cần chi trả tối đa cho đối tượng này là hơn 442 triệu đồng (đối tượng tự đóng 189 triệu đồng).
Người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của Chính phủ, giữ nguyên như quy định hiện hành tại Nghị định 75/2023.
Đối với nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật; người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định của Luật Di sản văn hóa, dự thảo Nghị định quy định hỗ trợ tối thiểu bằng 50% mức đóng BHYT.
Cả nước có khoảng 100.000 tổ dân phố, thôn bản. Trung bình mỗi thôn bản có 1 cán bộ y tế. Như vậy, ước tính nhóm này có 100.000 người trên cả nước.
Khoảng 30% cán bộ y tế thôn bản đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng bắt buộc khác, chỉ còn 70% chưa tham gia BHYT, tương đương 70.000 người.
Với mức hỗ trợ mua thẻ BHYT là 50%, mức đóng 4,5% mức lương cơ sở, dự kiến ngân sách cần để chi trả tối đa cho nhóm này là 44,226 tỉ đồng (đối tượng tự đóng là 44,226 tỉ đồng).
Đối với cô đỡ thôn bản, theo báo cáo của Vụ Sức khỏe bà mẹ & trẻ em (Bộ Y tế), cả nước có 1.613 người. Trong đó, 665 người kiêm nhiệm nhân viên y tế thôn bản.
Vì vậy, ước tính tối đa chỉ còn 948 cô đỡ thôn bản chưa tham gia BHYT. Với mức hỗ trợ mua thẻ là 50%, mức đóng 4,5% mức lương cơ sở, dự kiến ngân sách cần để chi trả tối đa cho đối tượng này là 0,599 tỉ đồng (đối tượng tự đóng là 0,599 tỉ đồng).
Theo Bộ Y tế, quy định này có thể tăng chi cho quỹ BHYT, tuy nhiên việc tăng chi này là cần thiết để bảo đảm chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho cán bộ y tế và cô đỡ thôn bản là nguồn động viên, khích lệ đối với họ, giúp công tác truyền thông, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt ngay tại cộng đồng, ngày càng hiệu quả hơn.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Y tế cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ tối thiểu từ 30% lên 50% mức đóng BHYT đối với học sinh phổ thông từ lớp 1 tới lớp 12.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2024 cả nước có khoảng 16,4 triệu học sinh, sinh viên trong nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT, trong đó có hơn 2 triệu sinh viên.
Như vậy, tổng số học sinh là khoảng 14,4 triệu. Với mức hỗ trợ nâng từ 30% lên 50%, dự kiến ngân sách nhà nước cần chi trả thêm khoảng 3.630 tỉ đồng.
Nhiều tác động tích cực
Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế cho biết việc mở rộng thêm một số nhóm được bao phủ BHYT về lâu dài sẽ góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng nguồn nhân lực xã hội, từ đó tác động tích cực đối với Nhà nước.
Đối với doanh nghiệp, việc mở rộng thêm một số nhóm đối tượng được bao phủ BHYT về lâu dài sẽ góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng nguồn nhân lực có thể là người lao động sau này cho doanh nghiệp, từ đó góp phần tăng năng suất, hiệu quả và tác động tích cực đối với doanh nghiệp.
Các chính sách cũng có tác động tích cực đến năng suất, hiệu quả hoạt động, doanh thu của doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế do tăng lượng người được bao phủ BHYT sẽ dẫn tới tăng việc sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Đối với quỹ BHYT, việc bổ sung thêm các nhóm mới tham gia BHYT tại dự thảo Nghị định giúp duy trì và tăng đối tượng tham gia BHYT, từ đó tăng nguồn thu cho quỹ BHYT, tăng nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho cơ sở khám chữa bệnh.
Việc bổ sung thêm các nhóm mới tham gia BHYT giúp duy trì và tăng số người tham gia BHYT, từ đó tăng nguồn thu cho quỹ BHYT, tăng nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho cơ sở khám chữa bệnh. Ảnh minh họa: TT
Đối với người dân, việc bao phủ thêm một số nhóm giúp bảo đảm cơ chế tài chính, tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho các đối tượng này. Người tham gia BHYT có lợi khi được bảo đảm về tài chính và được quỹ BHYT chi trả trong trường hợp ốm đau, bệnh tật.
Bộ Y tế nêu ví dụ: Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc; mỗi tuần phải đến bệnh viện 3 lần để lọc máu và lấy thuốc.
Chi phí để điều trị bệnh lý này đối với những người có hoàn cảnh khó khăn là quá sức, từ đó dẫn đến các hệ lụy về xã hội như giảm sức lao động, tăng nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội.
Khi họ tham gia BHYT và được quỹ BHYT chi trả các chi phí, các khó khăn trên được giải quyết.
Tính trên cả nước, hiện nay tổng số lượng chạy thận nhân tạo được BHYT thanh toán là 4,3 triệu lượt/năm, với tổng chi phí được chi từ quỹ BHYT là 2.400 tỉ đồng/năm. Đây là dịch vụ có tỉ trọng chi lớn nhất từ quỹ BHYT.
Vì vậy, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHYT, không được quỹ BHYT chi trả, người dân phải tự thanh toán và đối mặt với khó khăn rất lớn về tài chính, đặc biệt khi mắc các bệnh hiểm nghèo.
Đối với cán bộ y tế, việc tăng cung ứng dịch vụ y tế của các cơ sở khám chữa bệnh giúp tạo nguồn để tăng chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế. Người làm trong các lĩnh vực liên quan có thể tăng cơ hội việc làm và thu nhập do tiêu dùng dịch vụ, hàng hóa đi theo nhu cầu khám chữa bệnh.
Đối với xã hội, Bộ Y tế cho biết các chính sách trên bảo đảm chính sách an sinh xã hội, duy trì và từng bước tăng mức bao phủ BHYT toàn dân, góp phần đạt được mục tiêu trên 95% dân số tham gia BHYT vào năm 2030.
Đối với hệ thống pháp luật, các chính sách trên có tác động tích cực, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội, khắc phục được khoảng trống và những hạn chế của pháp luật hiện hành.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT tập trung vào 7 nhóm chính sách
Nhóm chính sách 1: Quy định về đối tượng, mức đóng, mức hỗ trợ đóng và trách nhiệm đóng BHYT.
Nhóm chính sách 2: Quy định về cấp thẻ BHYT.
Nhóm chính sách 3: Quy định về phạm vi được hưởng, mức hưởng của người tham gia BHYT.
Nhóm chính sách 4: Quy định về hợp đồng khám chữa bệnh BHYT và thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
Nhóm chính sách 5: Quy định về phương thức thanh toán và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Nhóm chính sách 6: Quy định về quản lý và sử dụng quỹ BHYT.
Nhóm chính sách 7: Quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện BHYT.
THANH THANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/de-xuat-tang-muc-ho-tro-dong-bhyt-cho-nhieu-doi-tuong-post842177.html