Đề xuất tăng nặng hình phát đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm

Đề xuất tăng nặng hình phát đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm
12 giờ trướcBài gốc
Theo Bộ Y tế, sau hơn 15 năm triển khai thực hiện, Luật An toàn thực phẩm đã phát sinh một số tồn tại, vướng mắc, bất cập. Đặc biệt, tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng diễn ra phổ biến gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua.
Tại dự thảo lần này, Bộ Y tế đề xuất hành vi quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng sẽ bị nghiêm cấm. Bên cạnh đó, việc sử dụng hình ảnh, trang phục, tên gọi, danh nghĩa của đơn vị y tế, nhân viên y tế hoặc ý kiến người bệnh, bài viết của cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm cũng bị cấm.
Đặc biệt, người có ảnh hưởng tham gia quảng bá thực phẩm chức năng, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi sẽ phải công khai mối quan hệ tài trợ. Những trường hợp không công khai sẽ bị xem là vi phạm nếu không thuộc các đối tượng được phép quảng cáo theo Điều 7 Luật Quảng cáo hiện hành.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định mức phạt tối đa là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Trong trường hợp giá trị thực phẩm vi phạm vượt mức phạt cao nhất theo quy định, mức phạt có thể lên tới 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.
Dự thảo cũng nghiêm cấm hành vi tiết lộ thông tin cá nhân người mua hoặc không cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
Về chế tài xử lý vi phạm, dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) cũng quy định rõ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời phải bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả theo quy định.
Trường hợp người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm quy định về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ và tính chất hành vi. Nếu gây thiệt hại, người vi phạm phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về mức phạt hành chính. Mức tiền phạt tối đa là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Trong trường hợp giá trị thực phẩm vi phạm vượt mức phạt cao nhất theo quy định, mức phạt có thể lên tới 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đề xuất thay đổi phương thức quản lý công bố hợp quy sang tự công bố, và đăng ký lưu hành theo hướng quản lý theo phân loại nguy cơ.
Cụ thể, nhóm sản phẩm nguy cơ cao và trung bình như thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi; thực phẩm bổ sung…, bắt buộc áp dụng biện pháp cấp giấy đăng ký lưu hành sản phẩm. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của chủ sở hữu số đăng ký lưu hành trong việc quản lý sản phẩm trong suốt quá trình từ sản xuất, nhập khẩu đến lưu thông trên thị trường (bao gồm cả nội dung quản lý chất lượng).
Nhóm nguy cơ thấp như thực phẩm đã chế biến bao gói sẵn không thuộc các trường hợp phải đăng ký lưu hành; phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tự công bố sản phẩm trước khi lưu thông, và phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và ghi nhãn sản phẩm.
Bộ Y tế cho rằng đối với những nhóm cần kiểm soát chặt hơn phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn những nhóm thực phẩm thông thường.
Dự thảo Luật cũng đề xuất để Bộ Y tế là một đầu mối quản lý thực phẩm chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước. Đồng thời, giao các Bộ liên quan phối hợp với Bộ Y tế trong thực hiện quản lý nhà nước về thực phẩm.
Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) áp dụng cho tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động thực phẩm tại Việt Nam. Nội dung góp ý đang được Bộ Y tế tiếp nhận để hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Hồng Hương
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//tieu-dung/de-xuat-tang-nang-hinh-phat-doi-voi-hanh-vi-vi-pham-an-toan-thuc-pham-1108352.html