Đề xuất tăng số lượng Phó chủ tịch UBND và HĐND tỉnh

Đề xuất tăng số lượng Phó chủ tịch UBND và HĐND tỉnh
6 giờ trướcBài gốc
Nội dung trên được các đại biểu nêu tại hội trường khi thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất), diễn ra sáng nay (14/5).
Đồng tình với chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ từ cấp tỉnh xuống xã, nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị tăng số lượng Phó chủ tịch HĐND và UBND cấp tỉnh theo quy mô dân số, diện tích. Ông phân tích, sau sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, nhiệm vụ chỉ đạo điều hành rất lớn, nên việc tăng thêm số lượng Phó chủ tịch cấp tỉnh là cần thiết.
Đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định "cấp xã được thành lập Trung tâm hành chính công", nên đổi thành các Trung tâm hành chính công liên khu vực trực thuộc UBND tỉnh. Đại biểu lấy ví dụ mô hình tại Hà Nội đang triển khai rất tốt, nếu mỗi xã đều thành lập là không cần thiết, bởi có xã không sáp nhập, quy mô nhỏ sẽ gây lãng phí.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu sáng nay. (Ảnh: Quochoi.vn)
Cùng đó, ông Hòa cho rằng, không nên quy định "Chủ tịch UBND cấp xã ủy quyền cho phòng, ban cấp xã", bởi đây là cấp thấp nhất, không nên giao quyền mà có thể ủy quyền cho các phòng chuyên môn. Ngoài các phòng chuyên môn cấp xã, ông đề nghị gộp chung 3 văn phòng: Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã để đảm bảo hoạt động hiệu quả và tinh giản bộ máy cán bộ.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn TP.HCM) cho hay, số lượng Phó chủ tịch HĐND tỉnh được dự luật quy định như sau: "Trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì HĐND cấp tỉnh có 1 Phó chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì HĐND cấp tỉnh có 2 Phó chủ tịch HĐND".
Tuy nhiên, sau khi thực hiện chính quyền 2 cấp và sáp nhập các tỉnh thành, số lượng Phó chủ tịch HĐND và UBND cần được cân nhắc lại, bổ sung thêm người để phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Bà cũng đề xuất bổ sung thêm quyền cho HĐND tỉnh được quyết định chính sách trọng dụng nhân tài, chính sách thu hút, khuyến khích.
Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu. (Ảnh: Quochoi.vn)
Cũng liên quan đến số lượng nhân sự, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đề xuất tiếp tục rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp nhằm để thể hiện rõ nét hơn chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm phân định một cách hợp lý nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.
Đặc biệt, cần tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, cũng như tăng cường hoạt động giám sát của HĐND, nhất là cấp địa phương. Bởi, khối lượng nhiệm vụ của UBND cấp xã sau sáp nhập là rất lớn, nếu không tăng cường cơ chế giám sát của HĐND thì sẽ khó phát huy quyền và nghĩa vụ của cơ quan dân cử ở địa phương.
Theo đại biểu, hiện nay chỉ có 3 đại biểu HĐND cấp xã chuyên trách là chưa phù hợp với nhiệm vụ, công việc rất lớn của UBND cấp xã; cần tăng lên 4-5 đại biểu.
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) đề xuất xem xét tăng số lượng Phó chủ tịch HĐND và UBND cấp xã nhằm đảm bảo đặc thù địa giới hành chính, diện tích, dân số sau sáp nhập. Đồng thời, quyền, lĩnh vực phụ trách của UBND cấp xã cũng được gia tăng, cần thêm cán bộ phụ trách, chỉ đạo là điều hiển nhiên.
Điều 7 Nghị định 08/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 69/2020/NĐ-CP) quy định số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND tỉnh như sau:
- Tỉnh loại I có không quá 4 Phó chủ tịch; tỉnh loại II, loại III có không quá 3 Phó chủ tịch.
- Thành phố Hà Nội và TP.HCM không quá 5 Phó chủ tịch, các thành phố trực thuộc trung ương còn lại không quá 4 Phó chủ tịch.
Hà Cường
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/de-xuat-tang-so-luong-pho-chu-tich-ubnd-va-hdnd-tinh-ar943146.html