Đại biểu Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại tổ - Ảnh: PT
Chiều 16/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính.
Lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị cho phép Thành phố Hà Nội, khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương được tăng mức tiền phạt hành chính lên gấp 2 lần với các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội; văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm.
Tham gia thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhận xét, bất cập nhất hiện nay là mức phạt tiền vi phạm hành chính. Như lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tiền tối đa hiện là 75 triệu đồng còn thấp, chưa đủ tạo sức răn đe.
Nữ đại biểu nói, hiện trong giao thông đường bộ có tình trạng nhờn luật, cố tình vi phạm luật trong một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Theo dõi các kênh thông tin thấy nhiều trường hợp cố tình lái xe ngược chiều trên cao tốc, nếu xảy ra va chạm thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng - đại biểu Xuân nhấn mạnh.
"Tôi thấy mức phạt tiền tối đa hiện hành, kể cả mức quy định tại Nghị định 168 của Chính phủ là chưa đủ sức răn đe. Cần phải điều chỉnh tăng mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự", đại biểu Xuân nêu quan điểm.
Cụ thể, theo bà, mức tiền phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy phải tăng từ 75 triệu đồng lên 150 - 200 triệu đồng, mới "giải quyết được bài toán tăng sức răn đe".
Nếu "mức tiền phạt nhỏ thì người tham gia giao thông sẵn sàng bỏ ra vài chục, vài trăm ngàn đồng (tiền phạt) để cố tình vi phạm", bà Xuân nói và đề nghị tăng mức tiền phạt vi phạm giao thông tối đa lên 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) lại cho rằng mức tiền phạt hành chính tối đa như hiện nay đã cao và đủ sức răn đe. Đại biểu phân tích, khi người dân đã "thấm nhuần rồi, nhận thức được nâng cao rồi" thì cần điều chỉnh mức phạt để phù hợp với thu nhập cũng như tài sản của người được sử dụng trong hành vi vi phạm hành chính.
Bày tỏ không đồng tình với đề xuất tăng mức tiền phạt vi phạm giao thông đường bộ lên 150 - 200 triệu như đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất, bà Vân cho rằng, nếu tăng mức phạt lên tới 150 - 200 triệu đồng, trong khi một chiếc (ôtô) xe điện của Vinfast hiện nay cũng chỉ hơn 200 triệu đồng, lương cán bộ, công chức thì có mười mấy triệu đồng.
"Nhiều khi đang nghĩ công việc, thậm chí không nhìn đèn đỏ, cứ đi theo xe phía trước thôi cũng có thể vô tình sai luật. Mức phạt cao quá thì nói thật người dân cũng rất băn khoăn", đại biểu Vân nêu ý kiến.
Một nội dung khác được đại biểu quan tâm là quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản. Dự thảo sửa đổi quy định theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (từ 250.000 đồng lên 1 triệu đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2 triệu đồng đối với tổ chức) để góp phần đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho cả đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt.
Cơ quan thẩm tra (Ủy ban Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội) tán thành quy định này để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xử lý hành vi vi phạm.
Nhưng, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội), nguyên tắc xử phạt là phải có biên bản, nếu không dễ gây tùy tiện, hoặc nếu có khiếu nại mà không biên bản thì giải quyết thế nào? “Xử phạt phải có biên bản, chỉ rõ hành vi và người bị phạt được quyền khiếu nại, khiếu nại thì phải có biên bản. Bên cạnh đó, mức phạt 1 triệu đồng với cá nhân là rất lớn với nhiều người dân. Do đó, cần phải hết sức cân nhắc về nội dung này”, ông Chính nói.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị cần làm rõ cơ sở tăng mức phạt. “Tăng mức phạt phải phụ thuộc vào mức thu nhập, sức mua, lạm phát, yêu cầu đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm. Hành vi nào phải đấu tranh phòng chống cao thì mức phạt tiền phải cao hơn, còn hiện nay tăng mức phạt chưa chú trọng căn cứ vào lý do này”, ông Hà nói.
Nguyễn Lê