Giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự thảo luật gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật Khoa học và công nghệ năm 2013) do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình dự thảo luật.
Dự thảo luật có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều, được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tư duy quản lý được thay đổi theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình, thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho KH&CN thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Đáng chú ý, về giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu, luật quy định theo hướng cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi.
Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm. Sự thông thoáng này sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.
Thêm vào đó, nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Mặc dù, rủi ro được chấp nhận ở từng nhiệm vụ, từng dự án cụ thể nhưng hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể của tổ chức đó và chương trình nghiên cứu.
Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực.
Theo cơ quan soạn thảo, việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới. Dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng.
Để thu hút nhân tài là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam làm việc và giữ chân nhân tài, dự thảo luật cũng bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước.
Đồng thời dự luật còn đưa ra cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi, tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm tại Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề mà chuyên gia trong nước chưa giải quyết được.
Dự thảo bổ sung nguyên tắc, tiêu chí xác định nhân tài trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó quy định cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực ủy ban đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ chính sách khẳng định vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đó, cần tạo không gian mở, thuận lợi để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyền tự do nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, quyền tự do kinh doanh trong ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh; từ đó, làm động lực để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, cần bổ sung đối tượng "tổ chức, cá nhân đề xuất, thẩm định đề án thử nghiệm" không phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự nếu tuân thủ đầy đủ quy trình liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.
Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định phong tặng viện sĩ viện hàn lâm cho cá nhân nước ngoài là các nhà khoa học xuất sắc, góp phần vào nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ…
Tạp chí khoa học công nghệ thuộc các viện nghiên cứu
Thảo luận về dự thảo luật, các đại biểu góp ý về nhiều vấn đề như tên gọi của luật; các cơ chế thử nghiệm; ưu đãi thuế/tín dụng; phát triển nguồn nhân lực và chính sách dành cho nhà khoa học…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh góp ý vào dự thảo luật.
Thảo luận về dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh góp ý 7 nội dung, trong đó đề nghị xem xét lại khái niệm và quy định tạp chí khoa học công nghệ.
Theo dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, tạp chí khoa học và công nghệ là xuất bản phẩm định kỳ nhằm công bố kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Tạp chí phải được xuất bản thông qua các tổ chức được cấp giấy phép xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản.
Hội đồng biên tập của tạp chí gồm các chuyên gia hoạt động chuyên trách hoặc tự nguyện và kiêm nhiệm để xét chọn các bài viết đăng trên tạp chí.
Các tổ chức có thể hình thành một hay nhiều tạp chí.
Theo bà, trong Luật Báo chí, chỉ có tạp chí khoa học nên cần xem lại khái niệm trong dự thảo luật mới để đồng bộ giữa các luật.
Đồng thời, bà cũng đề nghị xem lại quy định cho phép các tổ chức có thể xem xét thành lập một hoặc nhiều tạp chí vì trong nghị quyết 18 và nhiều quy định khác, chúng ta đang đi theo hướng không để hình thành tạp chí tràn lan, thiếu hiệu quả.
Về nội dung này, tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết hiện 80% cơ quan báo chí là tạp chí trong đó chủ yếu là tạp chí của các viện khoa học.
"Song, quy định của cơ quan báo chí phức tạp như lãnh đạo cơ quan báo chí không được quá 2 nhiệm kỳ, hay bị hạn chế về tuổi tác trong khi nhà khoa học đến 70 tuổi vẫn có thể là nhà khoa học và đứng đầu một cơ quan tạp chí khoa học.
Do đó, dự thảo luật mới quy định tạp chí khoa học công nghệ của các viện nghiên cứu và các cơ quan này không phải là cơ quan báo chí", ông Hùng nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý tại phiên họp.
Cho ý kiến vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định dự luật này được các nhà khoa học rất quan tâm, kỳ vọng và trông chờ.
Song, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra trong dự thảo luật đang đưa vào quá nhiều vấn đề trong khi thời gian đánh giá tác động, xem xét chưa nhiều. Theo ông, cần tập trung vào những nội dung đã chín, đã rõ, những gì người dân, nhà khoa học cần, có thể triển ngay được sau kỳ họp thứ 9 tới.
Về tên gọi của luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nên giữ tên Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) còn phần đổi mới, sáng tạo nên đưa vào nội hàm của luật, có thể xây dựng một chương riêng để làm rõ vấn đề này.
Nhấn mạnh đây là luật phức tạp và còn nhiều ý kiến khác nhau, ông yêu cầu các thành viên Chính phủ liên quan cùng các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội ngồi lại để thảo luận, làm rõ, sáng tỏ vấn đề.
"Thậm chí, nếu có vấn đề khó, vướng mắc vượt thẩm quyền, tôi có thể cùng Thủ tướng và các Phó thủ tướng phụ trách vấn đề này sẵn sàng ngồi lại để tháo gỡ", ông nói.
Trang Trần