Đề xuất tháo gỡ khó khăn đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù lĩnh vực nghệ thuật

Đề xuất tháo gỡ khó khăn đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù lĩnh vực nghệ thuật
8 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm phát biểu
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm cho biết: Đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật là một quá trình có tính đặc thù cao. Tham gia tuyển sinh sớm, người học thường phải xa gia đình từ khi còn rất nhỏ, đôi khi chỉ mới 8-10 tuổi. Việc xa gia đình từ sớm đồng nghĩa với việc các em phải tự lập trong một môi trường mới, không còn sự chăm sóc trực tiếp từ gia đình, các em được cha mẹ gửi gắm cho nhà trường.
Như vậy, việc theo học và thành tài trong lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật phải chịu đựng sự vất vả từ áp lực học chuyên môn, khổ luyện và thiếu sự chăm sóc của gia đình từ khi còn rất nhỏ tuổi.
Đối với những môn nghệ thuật biểu diễn như Múa, Âm nhạc, Xiếc, Sân khấu, học sinh theo học lĩnh vực nghệ thuật còn phải đối mặt với sự sàng lọc khắt khe, có thể bị tai nạn, chấn thương trong quá trình tập luyện, phải thôi học trở về quê nhà để tiếp tục theo học các chương trình giáo dục phổ thông tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Các em ra nghề sớm, tuổi nghề ngắn, việc chuyển đổi nghề nghiệp đối với diễn viên múa, diễn viên xiếc sau khi thôi không tham gia biểu diễn gặp khó khăn.
Đối với những môn nghệ thuật biểu diễn như Múa, Âm nhạc, Xiếc, Sân khấu, học sinh theo học lĩnh vực nghệ thuật còn phải đối mặt với sự sàng lọc khắt khe, có thể bị tai nạn, chấn thương trong quá trình tập luyện
Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại khoản 2 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định: Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 01 đến 02 năm học.
Quy định này không phù hợp với thực tế, bởi thời gian đào tạo trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật kéo dài từ 3 - 9 năm (tùy theo ngành đào tạo), hình thức đào tạo chủ yếu theo phương thức truyền nghề, cá thể hóa cao, tỷ lệ thực hành lớn; đào tạo liên thông, liên tục trong thời gian dài; quy mô đào tạo và mô hình tổ chức lớp học nhỏ, không thể tổ chức đại trà.
Một số lĩnh vực, ngành, chuyên ngành, như: Âm nhạc, Múa, Xiếc, Cải lương, Tuồng, Chèo, nhạc công kịch hát dân tộc, biểu diễn nhạc cụ truyền thống… phải được phát hiện, tuyển chọn và đào tạo từ rất sớm (từ bậc trung học cơ sở hoặc từ 9 đến 14 tuổi) nên phải kết hợp giữa đào tạo chuyên môn nghệ thuật với giảng dạy văn hóa đối với lứa tuổi này.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành về các cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chưa phù hợp với thực tiễn. Thực tế hàng chục năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã và đang đào tạo ổn định trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Hiện nay có 10 cơ sở giáo dục đại học có đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng của các trường này khoảng 1.000 người, tập trung chủ yếu các ngành thuộc lĩnh vực Âm nhạc, Múa, Xiếc, Diễn viên sân khấu kịch hát, Tuồng, Chèo, Cải lương, Nhạc công kịch hát dân tộc... Mô hình đào tạo này phù hợp với tính đặc thù đào tạo các ngành, nghề chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm chăm sóc, phát triển tài năng nghệ thuật từ sớm (tức là từ trình độ trung cấp).
Như vậy, sự không thống nhất giữa các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Giáo dục đại học năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2018 là nguyên nhân dẫn tới khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp tục thực hiện đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
Theo đó, Chính phủ đề xuất ban hành Nghị quyết về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, chưa quy định cụ thể trong luật hoặc có quy định nhưng còn bất cập, chồng chéo, không thống nhất, không phù hợp với thực tiễn và tính đặc thù trong đào tạo các ngành, nghề trong lĩnh vực nghệ thuật.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Thường trực Ủy ban không tán thành việc quy định khung thời gian đào tạo trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù từ 1 đến 9 năm và cho rằng, người học phải bảo đảm điều kiện đầu vào, đạt chuẩn đầu ra căn cứ Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia. Việc điều chỉnh thời gian đào tạo trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ để có thể xem xét khi sửa đổi các luật về giáo dục, trong đó có Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Đối với mục tiêu ươm mầm, đào tạo tài năng nghệ thuật, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp đối với người học, người dạy, người chăm sóc... trong cơ sở đào tạo ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật thì sẽ thuyết phục hơn.
Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội cơ bản đồng tình với quy định cho phép cơ sở giáo dục đại học có đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được đào tạo các trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh do chưa thống nhất trong quy định của pháp luật về giáo dục; tạo điều kiện để các trường đại học đóng góp thêm vào mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong ngành văn hóa nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc thực hiện thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét, quyết định việc tiếp tục áp dụng hoặc điều chỉnh, sửa đổi các luật về giáo dục trong thời gian tới.
PVH
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/de-xuat-thao-go-kho-khan-dao-tao-cac-nganh-nghe-chuyen-mon-dac-thu-linh-vuc-nghe-thuat-20250425163544908.htm