Sẽ bổ sung chính sách thuê nhà ở xã hội cho công chức

Sẽ bổ sung chính sách thuê nhà ở xã hội cho công chức
11 giờ trướcBài gốc
Gỡ vướng trong phát triển nhà ở xã hội
Chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc xây dựng nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, phát triển nhà ở xã hội đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày tờ trình (Ảnh: Media Quốc hội).
Song song đó, tạo cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội có tác động kép, vừa giúp người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện đề án xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, đồng thời cân đối cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa bất động sản, từ đó tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại…
Theo Thứ trưởng Sinh, dự thảo nghị quyết với 16 điều, gồm nội dung: Thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia; chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công; giao chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn…
Trong đó, đáng chú ý là quy định cho phép một số nhà đầu tư đáp ứng điều kiện có thể được giao dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu.
Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên cho biết, Ủy ban tán thành việc cần thiết ban hành nghị quyết. Song, Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý vi phạm để tăng cường cơ chế giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, triệt để phòng, chống lãng phí.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên trình bày báo cáo thẩm tra (Ảnh: Media Quốc hội).
Góp ý vào nội dung thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia, vẫn theo ông Liên, Ủy bantán thành thành lập quỹ phát triển nhà ở quốc gia nhưng đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cơ quan soạn thảo cần làm rõ nhiệm vụ chi của quỹ để bảo đảm không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.
Về thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, ông Liên cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị khôngmở rộng đối tượng được bố trí nhà ở xã hội là chuyên gia để bảo đảm phù hợp mục tiêu chính sách của Đảng, Nhà nước tập trung phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.
Mặt khác, Ủy ban đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan Nhà nước được thuê nhà ở xã hội bố trí cho công chức ở, nhất là tại địa phương thực hiện sáp nhập, tạo thuận lợi cho họ thực thi công vụ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng tường minh các vấn đề
Thảo luận về dự thảo nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu ý kiến về nội dung quỹ phát triển nhà ở quốc gia. Cho rằng cần làm rõ tính chất của quỹ, ông Hải nói, qua kinh nghiệm quốc tế, không nên coi đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách mà cần ở tầm vóc cao hơn là quỹ đầu tư phát triển nhà ở quốc gia.
"Nếu chỉ dựa vào hỗ trợ ngân sách, năm nào cũng phải hỗ trợ, không thể bền vững", ông Hải nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải góp ý vào dự thảo nghị quyết (Ảnh: Media Quốc hội).
Lấy ví dụ Algeria vừa xây dựng 2 triệu căn nhà ở xã hội và tiếp tục chương trình 1,4 triệu căn nữa, ông Hải cho hay, cần thành lập quỹ theo tính chất đầu tư, luân chuyển và Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nên cho phép người muốn mua nhà và các nguồn lực xã hội đầu tư dài hạn vào quỹ.
"Người muốn mua nhà có thể trích thu nhập, đóng góp vào quỹ trong khoảng thời gian hoặc ở mức tiền nào đó, có thể mua nhà, tránh để người muốn mua nhà phải đi vay ngân hàng. Trong khi, lãi suất ngân hàng đang ở mức 4-8%, rất khó để gia đình thu nhập thấp có thể mua được một căn nhà", ông Hải nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị quy định rõ tính chất của quỹ quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tiếp thu các nội dung và hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết gọn hơn.
Về trình tự thủ tục, Thứ trưởng mong Quốc hội cho phép thực hiện theo thủ tục rút gọn, để nghị quyết sớm được thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là trong giai đoạn cấp bách hiện nay.
Báo cáo thêm về nội dung quỹ nhà ở quốc gia, Thứ trưởng Sinh nói: "Thực tế, thời gian qua, chủ yếu các doanh nghiệp thực hiện những dự án phát triển nhà xã hội bằng nguồn vốn hoặc đi vay. Đối tượng được thụ hưởng cũng phải đi vay để mua nhà".
Do đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34, trong đó nêu việc cần phải thành lập quỹ để đảm bảo phát triển bền vững.
Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).
Về nội dung liên quan tạo lập quỹ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, chủ yếu thông qua nguồn nộp tiền từ quỹ đất 2% mà chủ đầu tư không xây nhà ở xã hội. Lâu nay, các địa phương hòa nhập nguồn thu này vào ngân sách nhưng không chi cho phục vụ nhà ở xã hội.
Nguồn thứ hai từ ngân sách và các nguồn khác, mục đích là hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chi cho công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn ban đầu. Đây đều là những vấn đề rất quan trọng với địa phương.
Về nhiệm vụ chi, dự kiến được thực hiện theo mô hình 2 cấp (Trung ương và địa phương), địa phương sẽ dùng nguồn thu từ quỹ đất 2% nêu trên để phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội… Nguồn từ Trung ương hỗ trợ chủ đầu tư cùng người mua nhà với lãi suất ưu đãi.
Ngoài ra, Thứ trưởng Sinh cũng khẳng định, tiếp thu ý kiến cơ quan thẩm tra và lãnh đạo Quốc hội, bổ sung quy định cơ quan Nhà nước được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho công chức, nhất là tại địa phương sáp nhập.
"Thời gian tới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị hành chính sau sáp nhập cũng có nhu cầu nhà ở xã hội để mua, thuê", ông Sinh báo cáo thêm.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, cố gắng của Chính phủ, cơ quan soạn thảo chuẩn bị đầy đủ hồ sơ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất dự thảo nghị quyết đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua theo trình tự rút gọn.
Ông Định cũng đề nghị Chính phủ làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của quỹ nhà ở quốc gia và giao Chính phủ quy định chi tiết, làm rõ nhiệm vụ chi không trùng lặp, huy động nhiều nguồn lực tham gia, tham khảo kinh nghiệm các nước.
Trang Trần
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/se-bo-sung-chinh-sach-thue-nha-o-xa-hoi-cho-cong-chuc-192250425183757399.htm