Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Bùi Thiên Thu (hàng trước, ở giữa), Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội Miao Weicheng (hàng trước, thứ 5 từ bên phải), Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Lê Minh Đạo (thứ 4, từ bên phải) cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họp
Dự án thúc đẩy hợp tác giao thông thủy 6 nước chung dòng sông mang hai tên gọi
Ngày 16/12, Cục Đường thủy nội địa VN cùng các nhóm chuyên gia, đại diện của Bộ GTVT các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar tổ chức cuộc họp cuối kỳ và công bố kết quả Dự án hỗ trợ kỹ thuật Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giao thông đường thủy giữa các nước dọc tuyến sông Lan Thương – Mê Kông. Dự hội nghị có ông Miao Weicheng, Tham tán Công sứ Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Hà Nội (đại diện nhà tài trợ dự án).
Theo nghiên cứu của dự án, sông Lan Thương – Mê Kông là một dòng chảy có chiều dài hơn 4.909 km, qua địa phận 6 quốc gia, từ cao nguyên Tây Tạng ra biển. Ở địa phận Trung Quốc, Myanmar, sông có tên gọi là Lan Thương, khi chảy qua địa phận các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam có tên gọi là Mê Kông. Phần lớn lưu lượng dòng chảy của tuyến sông này ở khu vực hạ lưu (Campuchia, Thái Lan, Lào và Việt Nam).
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo sáng kiến của Thái Lan vào năm 2012, chương trình Hợp tác Mê Kông – Lan Thương đã được xây dựng với sự tham gia của 6 quốc gia chung dòng sông này, nhằm gìn giữ nguồn tài nguyên và khai thác sử dụng dòng sông cho các mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2016, tại Hội nghị cấp cao tổ chức lần thứ nhất vào năm 2016 tại Vân Nam (Trung Quốc) với chủ đề "Chung một dòng sông, chung một tương lai", Quỹ đặc biệt của chương trình Hợp tác Mê Kông – Lan Thương được thành lập, với mục tiêu góp phần triển khai thực hiện các định hướng lớn của cơ chế hợp tác, thông qua đề xuất của Việt Nam về thực hiện "Dự án Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định trong lĩnh vực GTVT đường thủy".
Với tài trợ của Quỹ đặc biệt, dự án do Cục Đường thủy nội địa VN chủ trì, cùng sự phối hợp nghiên cứu của các cơ quan đồng cấp các nước trong chương trình Hợp tác Lan Thương – Mê Kông đã hoàn thành sau gần 3 năm triển khai.
"Mục tiêu cụ thể, chính yếu nhất của dự án là xây dựng diễn đàn chung về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực GTVT đường thủy. Qua đó, tiến tới hài hòa hóa các quy định về GTVT đường thủy trên dòng sông chung Lan Thương – Mê Kông; đặc biệt là có thể tiến tới thiết lập mạng lưới vận tải bằng đường thủy xuyên suốt 4 quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia", Cục trưởng Bùi Thiên Thu thông tin.
Ông Miao Weicheng, Tham tán Công sứ Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Hà Nội (đại diện nhà tài trợ dự án) cho biết, dự án trên là loạt dự án đầu tiên của Việt Nam được Quỹ đặc biệt hợp tác Mê Kông - Lan Thương hỗ trợ. Việt Nam là nước tham gia quan trọng và đóng góp tích cực cho Hợp tác Mê Kông - Lan Thương. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với các nước Mê Kông - Lan Thương để tiếp tục phát huy tinh thần "ưu tiên phát triển, tham vấn bình đẳng, hiệu quả, cởi mở và toàn diện", cùng thúc đẩy hợp tác Mê Kông - Lan Thương và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thế giới.
Dự án đề xuất các nước dọc sông Lan Thương - Mê Kông xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy định quản lý giao thông đường thủy hài hòa, phù hợp đối với tuyến đường thủy sông Lan Thương - Mê Kông
Đề xuất hài hòa 5 nội dung quy định, tiêu chuẩn
Từ kết quả nghiên cứu, Dự án hỗ trợ kỹ thuật Hài hòa tiêu chuẩn và quy định GTVT đường thủy giữa các nước dọc tuyến sông Lan Thương – Mê Kông đề xuất các quốc gia chung dòng sông Lan Thương – Mê Kông cùng xây dựng, ban hành các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực GTVT đường thủy hài hòa trên dòng sông chung này.
Nội dung các quy định, tiêu chuẩn hài hòa được đề xuất về: Luồng đường thủy nội địa (kích thước luồng, tĩnh không cầu, bán kính cong...); phao tiêu, báo hiệu đường thủy; phương tiện thủy; thuyền viên và người lái phương tiện thủy; các quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện thủy.
Trong đó, về kích thước luồng đường thủy khu vực hạ lưu sông Lan Thương – Mê Kông, trong giai đoạn đầu, đề xuất luồng chạy tàu có chiều rộng tối thiểu 30 m, độ sâu vùng nước tối thiểu 2,8 m, bán kính cong tối thiểu 350 m để tàu 350 tấn có thể khai thác. Đến giai đoạn hai, chiều rộng luồng tối thiểu là 40 m, độ sâu vùng nước tối thiểu 3,2 m và bán kính cong tối thiểu 500 m để cho tàu 500 tấn có thể khai thác.
Thiết kế, xây dựng chiều cao thông thủy của bất kỳ công trình kiên cố nào vượt sông (ví dụ: Cầu, cống dẫn nước, đường ống, công trình thủy điện và dây cáp...) phải từ 11 m trở lên. Khổ thông thuyền của công trình vượt sông cần được xác định để đáp ứng điều kiện tự nhiên của các đoạn sông và cho phép tàu thuyền có trọng tải đến 1.000 tấn (DWT) đi qua. Độ sâu chôn lấp của các công trình dưới nước vượt sông như dây cáp, ống dẫn, đường ống và đường hầm phải sâu hơn 2,8 m so với mực nước đáy sông thiết kế.
Khi xây dựng các công trình thủy điện trên các tuyến đường thủy, việc xây dựng các công trình cho tàu thuyền qua lại phải được hoàn thành đồng bộ với các công trình đập và nhà máy điện. Kích thước phải được thiết kế để cho phép tàu có trọng tải lên đến 1.000 tấn (DWT) đi qua.
Tuyến sông Lan Thương - Mê Kông là dòng chảy qua 6 quốc gia, từ cao nguyên Tây Tạng ra biển. Tại địa phận Trung Quốc và Myanmar được gọi là Lan Thương, tại địa phận các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam có tên gọi là Mê Kông.
Về quy tắc giao thông và tín hiệu phương tiện, các tiêu chuẩn được ban hành dựa trên nguyên tắc: Đảm bảo thống nhất, phù hợp với hệ thống phao hàng hải do Hiệp hội quốc tế về hỗ trợ hàng hải (IALA), Bộ luật châu Âu về đường thủy nội địa (CEVNI) và các biển báo và tín hiệu trên đường thủy nội địa (SIGNI) của Ủy ban Kinh tế châu Âu (ECE).
Dự án cũng đề xuất lộ trình thực hiện ngắn hạn, dài hạn và cơ chế phối hợp triển khai giữa các quốc gia. Chẳng hạn, giai đoạn đến năm 2030, tiêu chuẩn hóa phân loại đường thủy hài hòa với phân loại đường thủy giữa hai nước Thái Lan và Lào; giữa Việt Nam và Campuchia; nghiên cứu tiêu chuẩn hóa thiết kế luồng ở các khu vực điểm nghẽn, hạn chế lưu thông. Sau năm 2030, cải tạo luồng tối thiểu 500 DWT giữa Tam giác Xanh (ranh giới giữa Lào và Myanmar) và Viêng Chăn và một số điểm nghẽn, hạn chế lưu thông khác tương ứng với tiêu chuẩn thiết kế luồng đã nghiên cứu.
Đến năm 2030,tiêu chuẩn hóa tín hiệu đèn và tín hiệu âm thanh chung giữa các nước dọc sông Mê Kông – Lan Thương. Sau năm 2030, xây dựng hải đồ điện từ (ENC0) cho toàn bộ sông Mê Kông – Lan Thương
Đề xuất tiêu chuẩn hóa thiết kế phương tiện thủy, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, giấy phép vận tải thủy qua biên giới dùng song ngữ (tiếng bản địa và tiếng Anh), quy định về trang thiết bị tối thiểu trên phương tiện chung giữa các nước phía thượng lưu, giữa các nước phía hạ lưusông Mê Kông – Lan Thương.
Về phương tiện, tiêu chuẩn hóa về định biên an toàn trên phương tiện thủy; quy trình đào tạo thuyền viên; cấp giấy phép điều khiển phương tiện vận tải thủy qua biên giới bằng song ngữ (tiếng bản địa và tiếng Anh) giữa các nước dọc sông Mê Công – Lan Thương.
Các kết quả chính dự án đạt được:
Đề xuất các nội dung liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định về giao thông thủy phù hợp để sử dụng chung hoặc hài hòa giữa các nước thành viên, hoặc áp dụng cho các nước thành viên chưa ban hành hệ thống văn bản.
Đề xuất lộ trình hài hòa hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật về giao thông thủy để khuyến nghị các cơ quan có thẩm quyền của các nước lưu vực sông Mê Kông - Lan Thương.
Xây dựng cơ chế phối hợp nhằm tăng cường hoạt động hóm công tác kỹ thuật vận tải đường thủy nhằm góp phần tăng cường hợp tác khu vực trong lĩnh vực vận tải đường thủy trong lưu vực sông Mê Kông - Lan Thương.
Hỗ trợ các nước trong lưu vực sông Mê Kông - Lan Thương tạo thuận lợi cho vận tải thủy xuyên biên giới và quốc tế; hỗ trợ thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về vận tải đường thủy; hài hòa các quy tắc vận tải thủy liên quan và các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về giao thông thủy.
Huy Lộc