Cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58 km, kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ. Tuyến đường đi qua địa bàn TP.HCM, Long An và Đồng Nai, giữ vai trò chiến lược trong việc liên kết các khu công nghiệp trọng điểm, cảng biển lớn và đặc biệt là sân bay quốc tế Long Thành.
Từ tháng 2.2025, VEC đã đưa vào khai thác 10 km đầu tiên và tiếp tục mở rộng thêm 18 km vào cuối tháng 4. Dự kiến toàn tuyến sẽ hoàn thành vào năm 2026.
Theo đề xuất, mức phí áp dụng là 2.000 đồng/km cho mỗi xe quy chuẩn (CPU), với chu kỳ điều chỉnh ba năm/lần, mỗi lần tăng 12%. Đây là mức phí được đánh giá phù hợp với phương án tài chính đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa khả năng chi trả của người dân và yêu cầu thu hồi vốn của doanh nghiệp.
VEC cho biết việc sớm triển khai thu phí là cần thiết để đảm bảo hiệu quả đầu tư, duy trì hoạt động ổn định và thực hiện nghĩa vụ tài chính, bao gồm trả nợ gốc và lãi vay ODA.
Ngoài ra, tuyến đường đi qua địa hình phức tạp với nhiều công trình kỹ thuật như cầu vượt sông và hầm chui dân sinh, đòi hỏi chi phí bảo trì và vận hành cao. Nếu không có nguồn thu ổn định, việc duy tu định kỳ sẽ gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
So sánh với mặt bằng chung khu vực phía Nam, mức phí đề xuất là hợp lý: tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang thu 2.100 đồng/km, trong khi tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận áp dụng mức 2.000 đồng/km.
Thời điểm chính thức triển khai thu phí sẽ được thông báo sau khi có sự chấp thuận của Bộ Xây dựng.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công từ năm 2014 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 31.300 tỷ đồng, hiện đã điều chỉnh còn khoảng 29.500 tỷ đồng.
Tuyến đường gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, với tốc độ thiết kế tối đa 100 km/h. Đây là một trong những dự án cao tốc trọng điểm phía Nam, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và liên kết giao thông liên vùng.
Hùng Nguyễn