Đề xuất Thủ tướng chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch các tỉnh thành sau sáp nhập

Đề xuất Thủ tướng chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch các tỉnh thành sau sáp nhập
3 giờ trướcBài gốc
Theo Điều 2 của Dự thảo, sẽ không tổ chức bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND tại các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp. Thay vào đó, nhiều chức danh sẽ được chỉ định nhằm bảo đảm bộ máy chính quyền hoạt động thông suốt.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hình thành sau sắp xếp. Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Ủy viên UBND cấp tỉnh và các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND cấp xã.
Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của các địa phương mới sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định, căn cứ vào thông báo của cấp ủy có thẩm quyền. Trong trường hợp đặc biệt, có thể chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.
Phiên họp thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận định, việc chỉ định các chức danh là cần thiết do tính chất đặc biệt của đợt sắp xếp đơn vị hành chính lần này. Bên cạnh quy mô lớn, mang tính toàn quốc của việc sáp nhập tỉnh, thành phố và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cả nước còn thực hiện cùng lúc việc kết thúc hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện. Với việc Thủ tướng và các cơ quan Trung ương trực tiếp chỉ định các chức danh chủ chốt, Nghị quyết hướng tới thiết lập nền hành chính tinh gọn, tập trung và thống nhất.
Dù hình thức là chỉ định, Ủy ban nhấn mạnh, công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự vẫn được tiến hành chặt chẽ bởi cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, bảo đảm đúng quy định của Đảng. Cơ chế này chỉ áp dụng trong năm 2025 nhằm phục vụ hoạt động của các đơn vị hành chính sau sắp xếp, phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp. Còn sau kỳ bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 và các năm tiếp theo, việc bầu nhân sự sẽ trở lại quy trình bình thường theo đúng quy định hiện hành.
Dự kiến, Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, đánh dấu bước chuyển lớn về tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng cải cách toàn diện và sâu rộng.
Trần Nam
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/de-xuat-thu-tuong-chi-dinh-chu-tich-pho-chu-tich-cac-tinh-thanh-sau-sap-nhap-327527.htm