Sửa đổi Hiến pháp năm 2013 mở đường cho bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Sửa đổi Hiến pháp năm 2013 mở đường cho bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả
6 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH Quảng Ninh. Ảnh: LV
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Quảng Ninh:
Kỳ họp có khối lượng công việc lớn, mang tính lịch sử
Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết: "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình". Trong đó chỉ rõ xây dựng thể chế pháp luật là nhiệm vụ quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia và phù hợp với thực tiễn, nhu cầu của người dân. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng. Hiện nay các Luật và Nghị quyết đi vào cuộc sống. Đặc biệt là việc cải cách, xây dựng tổ chức bộ máy, chính quyền địa phương hai cấp.
Kỳ họp thứ 9 diễn ra trong 37 ngày làm việc với nhiều nội dung được Quốc hội xem xét cho ý kiến. Có thể nói, đây là kỳ họp khối lượng công việc lớn, mang tính lịch sử, quyết định những vấn đề lớn liên quan đến tổ chức bộ máy của đất nước. Đặc biệt, là nội dung xây dựng hoàn thiện Nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp năm 2013, phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế bộ máy.
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng. Với trách nhiệm của mình, Đoàn ĐBQH Quảng Ninh có sự chủ động nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến của nhân dân, tham vấn các ý kiến để xây dựng các dự án luật liên quan đến tổ chức bộ máy, khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Mỗi đại biểu đều chủ động nghiên cứu để chuẩn bị tâm thế tốt nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất bước vào kỳ họp.
Đặc biệt, trong quá trình tổ chức kỳ họp, chúng tôi tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến cử tri liên quan đến sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trong kỳ Quốc hội lần thứ 9 lần này. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội về xây dựng Hiến pháp, pháp luật thực hiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, số hóa, chúng tôi kỳ vọng sẽ thực hiện đúng tinh thần theo yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm là nói không với hạn chế, bất cập nào trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật để chúng ta xây dựng đất nước phát triển, vươn mình.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBHQ Lâm Đồng. Ảnh: LV
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng:
Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng
Đất nước đang đứng trước giai đoạn lịch sử và tập trung vào hai cuộc cách mạng, đó là: Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp chính quyền địa phương; Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cùng với đó là rất nhiều quyết sách liên quan đến hai cuộc cách mạng trên được đặt ra. Vì vậy, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV mang tính lịch sử.
Có thể nói, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013 mở đường, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, giải quyết tối đa nhu cầu của nhân dân. Vấn đề đặt ra là sửa đổi Hiến pháp năm 2013 phải được thảo luận thấu đáo, lấy ý kiến của người dân, tạo sự đồng thuận cao nhất trong xã hội để khi thực hiện sẽ có hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh việc sửa đổi Hiến pháp 2013 thì các luật khác cũng được thảo luận, sửa đổi lần này như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi; Luật Thanh tra sửa đổi… Cùng với đó là rất nhiều Luật liên quan sắp xếp tinh gọn bộ máy.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định. Trong đó những luật liên quan đến cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đưa đất nước phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH Đồng Tháp. Ảnh: LV
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH Đồng Tháp:
Thể chế hóa và đổi mới công tác xây dựng pháp luật
"Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đây là kỳ họp dài nhất nhiệm kỳ và mang tính trọng đại của quốc gia, dân tộc. Trong chương trình của kỳ họp này, tôi ấn tượng với việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trong đó sửa nhiều Luật liên quan tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương, Luật cán bộ công chức viên chức...
Về kinh tế có các luật như: Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...
Tôi rất đồng tình với tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến tổ chức bộ máy. Theo quy định, chúng ta lấy ý kiến của người dân sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua. Hai nội dung chính của Hiến pháp lần này liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp thành 2 cấp; Sửa đổi một số nhiệm vụ chức năng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị.
Trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới thể chế, xây dựng pháp luật gần đây rất quan trọng và cụ thể trong công tác thể chế, đổi mới xây dựng pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rất nhiều lần về việc không nên xây dựng thể chế theo hướng một chiều, một khía cạnh mà cần nhìn vấn đề khách quan và cụ thể, thiết thực. Cần xây dựng pháp luật căn cứ thực tiễn của Việt Nam, được sự đồng thuận người dân. Mục dích là gần dân, sát dân, có trách nhiệm với dân. Luật ban hành để người dân dế hiểu, dễ nghe, thông suốt.
Ban soạn thảo chính sách pháp luật đều cụ thể, lắng nghe ý kiến của người dân. Cơ bản những ý kiến của ĐBQH được giải trình, tiếp thu cụ thể. Trong bài phát biểu xây dựng thể chế của Tổng Bí thư Tô Lâm chính là định hướng, tiền đề để từ bây giờ và sắp tới là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI có nghị quyết để xây dựng thể chế hợp lòng dân, sát dân, đặc biệt rút ngắn thời gian xây dựng dự thảo luật. Thay vì để một luật thông qua hai kỳ họp thì có những luật được thảo luận ở tổ, ghi chép từ phía người dân, các Ủy ban của Quốc hội giải trình rành mạch sẽ thực hiện quy trình 1 kỳ họp. Còn với những dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ xây dựng 2 kỳ họp".
Lê Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/sua-doi-hien-phap-nam-2013-mo-duong-cho-bo-may-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua-20250506120915274.htm