Đề xuất Thủ tướng quy định việc xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước

Đề xuất Thủ tướng quy định việc xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 14/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước là một yêu cầu cấp thiết, xuất phát từ những thay đổi sâu sắc của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.
"Luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng trưởng ở mức hai con số trong kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc," Bộ trưởng cho biết.
Mục tiêu xuyên suốt của dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) là thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về ngân sách Nhà nước. Theo đó, dự án luật tập trung vào việc đổi mới cơ chế, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương đồng thời tăng tính chủ động cho ngân sách địa phương.
Theo đó, dự thảo Luật bổ sung quy định phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo 2 nhóm các địa phương tự cân đối và không tự cân đối ngân sách (quy định trước đây là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%).
Dự thảo Luật sửa đổi cũng giao thẩm quyền HĐND cấp tỉnh chủ động thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Media Quốc hội
Đặc biệt, dự thảo luật bổ sung một điều về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, dự thảo quy định việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm sau.
Đồng thời, Thủ tướng quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng Bộ, cơ quan Trung ương chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên theo từng lĩnh vực và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thủ tướng cũng được quyết định phân bổ chi tiết đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết; quyết định sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương.
'Việc giao Chính phủ quyền điều chỉnh dự toán có thể dẫn đến chồng chéo chức năng'
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Kinh tế của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết qua lấy ý kiến thành viên ủy ban, đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Theo cơ quan thẩm tra, Hiến pháp và pháp luật hiện hành quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, bao gồm tổng thu, tổng chi, cơ cấu chi và bội chi ngân sách Nhà nước. Khi cần điều chỉnh dự toán đã được quyết định, thẩm quyền thuộc về Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cơ quan thẩm tra cho rằng quy định hiện hành bảo đảm phân cấp, phân quyền trong quyết định dự toán. Quốc hội chỉ quyết định tổng mức theo lĩnh vực và cơ cấu chi, không chi tiết đến từng nhiệm vụ; các Bộ, ngành, địa phương quyết định chi tiết theo thẩm quyền.
Dự thảo luật giao Chính phủ điều chỉnh dự toán giữa các Bộ, ngành, địa phương, cơ cấu chi thường xuyên, đầu tư, điều chỉnh mức vay, bội chi ngân sách địa phương làm thay đổi dự toán ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội quyết định, theo cơ quan thẩm tra.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính và Kinh tế cho rằng báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng yêu cầu làm rõ chức năng các cơ quan Nhà nước, bảo đảm phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực; củng cố vị thế của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất.
Việc giao Chính phủ quyền điều chỉnh dự toán (thuộc thẩm quyền của Quốc hội) dẫn đến chồng chéo chức năng, ảnh hưởng kỷ luật tài chính và mục tiêu cải cách đã đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Kinh tế của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: Media Quốc hội
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cho rằng trên thực tế, việc điều chỉnh dự toán theo thẩm quyền hiện hành không phát sinh vướng mắc. Trong trường hợp cấp bách, Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc điều chỉnh dự toán trong nội bộ đơn vị đã được quy định rõ tại Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, bảo đảm linh hoạt và tuân thủ kỷ luật tài chính.
Dù vậy, Ủy ban Tài chính và Kinh tế cũng cho biết một số ý kiến nhất trí với dự thảo luật nhằm nâng cao tính chủ động, hiệu quả và kịp thời trong điều hành ngân sách Nhà nước, đặc biệt là đối với Chính phủ và UBND các cấp ở địa phương.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính, dự thảo luật cần quy định rõ các trường hợp được phép điều chỉnh dự toán, giới hạn trong các nguyên nhân khách quan, tình huống khẩn cấp, cấp bách, tránh lạm dụng điều chỉnh quá mức so với dự toán đã được Quốc hội phê duyệt.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị cần quy định rõ chế độ và quy trình báo cáo phải minh bạch, cụ thể, làm căn cứ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và quyết toán ngân sách; phân cấp nhiệm vụ cần gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Kiều Chinh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/de-xuat-thu-tuong-quy-dinh-viec-xay-dung-du-toan-ngan-sach-nha-nuoc-41504.html