Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2025

Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2025
một giờ trướcBài gốc
Kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, nội dung trình Quốc hội lần này có phạm vi tương tự như các nghị quyết đã được ban hành, đó là giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trình Quốc hội dự thảo nghị quyết - Ảnh: Quochoi.vn
Về tác động của chính sách, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025 tương đương khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,35 nghìn tỷ đồng/tháng trong đó giảm ở khâu nội địa khoảng 2,85 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng).
Năm 2024, số thuế giá trị gia tăng được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ước khoảng 49 nghìn tỷ đồng.
"Việc giảm thuế giá trị gia tăng tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước nhưng cũng có tác dụng kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước" - Phó thủ tướng nói.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024 là 1.701 nghìn tỷ đồng. Cập nhật đến hết ngày 14/11, số thực hiện thu ngân sách Nhà nước là 1.708,4 nghìn tỷ đồng (bằng 100,4% dự toán và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023).
Quang cảnh phiên làm việc chiều 28/11- Ảnh: Quochoi.vn
Về tác động đến người dân và doanh nghiệp, tờ trình nêu rõ, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Việc giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống Nhân dân.
Đối với doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Thu hẹp diện áp dụng, từng bước để ổn định các chính sách về thuế
Trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết.
Tuy nhiên, có một số ý kiến không đồng tình với việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và cho rằng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã được ban hành, thực hiện từ năm 2022 trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid. Việc ban hành và thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng chỉ nên được coi là giải pháp tình thế trong khoảng thời gian nhất định để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết
Đến nay, đại dịch đã kết thúc một thời gian dài, các chính sách ưu đãi về thuế được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn sau đại dịch cần được xem xét để thu hẹp diện áp dụng, từng bước để ổn định lại việc thực hiện các chính sách về thuế. Vì vậy, việc tiếp tục đề xuất ban hành và thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là chưa thật sự phù hợp.
Về hình thức ban hành chính sách, Ủy ban thẩm tra đề nghị tiếp tục áp dụng hình thức quyết nghị nội dung này trong nghị quyết chung của kỳ họp, tương tự như các nghị quyết đã được ban hành.
Đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục cho phép áp dụng chính sách từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
Chính sách giảm thuế phải bền vững, không ngắt quãng
Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng thuận với tờ trình của Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, ổn định và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội đề xuất, bên cạnh việc giảm thuế thì cần có sự đánh giá tác động đối với chính sách cũng như các giải pháp bền vững khác.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) nhấn mạnh: Việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng nhằm thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững cho nền kinh tế là một chủ trương đúng đắn và kịp thời kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu cũng cho rằng, chính sách này sẽ tác động đến ngân sách Nhà nước. Việc giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng trong ngắn hạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách, đặc biệt là đối với ngân sách địa phương.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, cùng với giải pháp ngắn hạn là giảm giá trị gia tăng cần có các giải pháp đồng bộ, dài hạn nhằm cải thiện năng lực sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa, đặc biệt là tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cùng với đó, cần tối ưu hóa nguồn thu ngân sách và Chính phủ cũng cần xây dựng, triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thu ngân sách từ các nguồn thu khác ngoài thuế giá trị gia tăng để bù đắp phần hụt thu này. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát thuế; phối hợp liên ngành, cơ quan thuế, hải quan và các cơ quan chức năng khác trong việc kiểm sát các hành vi trốn thuế, hành vi chuyển giá, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) bày tỏ, chính sách giảm thuế phải bền vững, không nên ngắt quãng để doanh nghiệp nắm bắt kịp trong kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh của mình. Do vậy, đại biểu đề nghị khi Chính phủ ban hành chính sách thì nên kéo dài thời gian hơn.
Ngoài ra, Chính phủ cần có sự đánh giá đối với các mặt hàng không được giảm thuế giảm giá trị gia tăng để bảo đảm sự công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất.
Vân Hà
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/de-xuat-tiep-tuc-giam-thue-gia-tri-gia-tang-den-het-thang-6-2025.html