Tiếp tục tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân và kích cầu nền kinh tế, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội kéo dài giảm thuế GTGT 2% đối với một số nhóm hàng, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2025. Tính toán cho thấy, việc áp dụng chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 26.000 tỷ đồng, nhưng về bản chất mang nhiều lợi ích cho nền kinh tế khi tạo sự phát triển bền vững cho các ngành nghề, từ đó đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Chính sách thuế GTGT giảm từ 10% xuống còn 8% được áp dụng đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) đã được ban hành và thực hiện từ năm 2022 trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Chính sách này đã phát huy hiệu quả cao, có tác dụng kép, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, tới nay, hoạt động của doanh nghiệp, đời sống của người dân vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro tác động không nhỏ tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2025 (kế hoạch là 6,5%-7%). Đó là những tác động từ tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động; ở trong nước, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn có xu hướng cao; tiêu dùng, giải ngân đầu tư công chưa được như kỳ vọng... Với những phân tích nêu trên, Chính phủ tiếp tục đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài chính sách này để kích thích cầu tiêu dùng trong nước, kích thích doanh nghiệp tập trung nguồn lực sản xuất, từ đó đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.
Có thể thấy, kể từ sau Covid-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Đáng chú ý, trong các giải pháp miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất thì chính sách giảm VAT 2% là chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, đi vào thực tế nhanh nhất. Bởi, doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp mà không cần quy trình, thủ tục phức tạp hoặc đợi phê duyệt hồ sơ. Việc ban hành và thực hiện chính sách cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.
Tuần họp cuối của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV cũng đã chính thức bổ sung vào chương trình nội dung về báo cáo, thẩm tra và thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn bất ổn khó dự đoán, trong nước sức mua dù phục hồi nhưng vẫn chưa như kỳ vọng, chính sách giảm thuế GTGT 2% nếu được ban hành lần thứ 5 cho thấy sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ với người dân, doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào quyết sách của Quốc hội với chính sách thuế này.
NAM TRỰC